Cảm Nhận Ca Khúc “Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân” Của Nhạc Sĩ Song Ngọc

0
1

Ca khúc Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân được nhạc sĩ Song Ngọc viết về  mối tình dang dở của mình trong một chuyến trở về thăm lại nơi xưa sau nhiều năm đi xa. Ca khúc mang một tâm trạng bùi ngùi khi nhớ lại người xưa với những kỷ niệm đẹp, nhưng giờ đây khi trở lại khung cảnh đường xưa vẫn nằm yên lặng lẽ nhưng đã vắng đi bóng người thương. Ca khúc cũng thay lời tâm tư của một người khi đã để vụt mất mộng ước ban đầu để rồi đây mọi thứ còn đọng lại chỉ là kỷ niệm và giờ đây người xưa đã là “Cố nhân”.

“Tôi trở về đây lúc đêm vừa lên Giăng mắt trời mưa phố xưa buồn tênh Gót mòn tìm dư hương ngày xưa Bao nhiêu kỷ niệm êm ái Một tình yêu thoát trên tầm tay.”

Trở lại thăm quê xưa vào buổi tối với vô vàn xúc cảm nhưng lại rơi vào một buổi tối trời đổ mưa. Lòng cứ ngỡ sẽ vui mừng vì được gặp lại những người thân quen và ôn lại bao kỷ niệm ngày xưa, thế mà giờ đây giăng mắt nhìn trời mưa với nỗi buồn thương nhớ. Lê đôi chân tìm lại ngày xưa nơi góc phố quen giờ chỉ còn lại mình tôi và hương tình cũ. Một mình lặng thầm nhớ lại những kỷ niệm xưa lòng chợt thắt lại vì đã để “thoát” tình yêu ngày thơ ấy ra khỏi tầm tay.

“Tôi trở về đây với con đường xưa Đâu bóng người thương cố nhân về đâu? Tiếng buồn chợt đâu đây vọng đưa Công viên lạnh lùng hoang vắng Ngọn đèn đêm đứng im cúi đầu.”

Giờ đây tôi đã trở lại nơi thân thuộc từng là khoảng trời riêng của hai đứa vậy mà con đường dài đã vắng bóng người xưa. Bóng người thương cố nhân đã là dĩ vãng của nơi đây, chỉ mình tôi đứng lặng im để nhớ cố nhân. Nỗi buồn luyến tiếc vọng về với bao nỗi nhớ về người xưa, tôi muốn cùng em tìm về kỉ niệm xưa nhưng giờ chỉ có mình tôi dạo bước trong công viên vắng lẻ loi. Cái lạnh của cơn mưa, sự hoang vắng nơi công viên làm lòng tôi buốt lại, đứng lặng lẽ nhìn đèn đêm cúi đầu chiếu sáng một góc đường chỉ thấy bóng người đang cô đơn.

“Thu đến thu đi cho lá vàng lại bay Em theo bước về nhà ai Ân tình xưa đã lỡ Thời gian nào bôi xóa Kỷ niệm đầu ai đành lòng quên?”

Thu đến rồi Thu đi đã bao mùa thay lá vàng và người viễn xứ đã bao lâu rồi vẫn chưa về lại nơi xưa. Thời gian vẫn âm thầm trôi, lại một mùa Thu nữa lại đến, trong khí trời êm dịu của sắc thu vàng em đã bước theo chồng để lại nỗi ưu sầu trong lòng một người đã từng cùng em trải qua những kỷ niệm. Ân tình xưa nay đã lỡ, em tìm được bến bờ hạnh phúc bên một người khác và khi tôi trở lại đây chỉ thấy quạnh hiu một mình. Thời gian đã mang em vụt khỏi tôi nhưng thời gian nào bôi xóa được ký ức về em ra khỏi tâm trí tôi. Kỷ niệm đầu in sâu mãi trong lòng tôi với mối tình tuổi thơ ngây vào đời, giờ đây dù không có em trong đời nhưng làm sao mà tôi đành lòng quên kỷ niệm đẹp cùng em.

Tranh vẽ Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân của họa sĩ Hà Anh.

“Phố buồn mình tôi bước chân lẻ loi Ray rứt trời mưa bỗng nghe mặn môi Nỗi niềm chuyện tâm tư người ơi Xin ghi nhạc lòng thương nhớ Mình gọi nhau cố nhân u sầu.”

Phố buồn mưa giăng giờ mình tôi lê từng bước chân lẻ loi, từng kỷ niệm xưa lần lượt tuôn về. Trời mưa trút xuống từng giọt mưa rơi trên khuôn mặt chảy xuống khóe môi mà thấy vị mặn, mặn của mưa hay mặn của những giọt lệ lặng lẽ đan xen trong những hạt mưa buồn. Chuyện tâm tình không không biết giải bày cùng ai khi giờ đây em đã là vợ người khác. Xin ghi nhớ mãi nỗi thương nhớ và lưu mãi những kỷ niệm ghi lòng cùng em, giờ đây xin gọi nhau là “cố nhân”.

Một nỗi tâm tình của một lữ khách xa về tìm về trốn cũ trong sự luyến tiếc nhớ thương người tình xưa, một tâm trạng buồn khi để tình yêu ra xa và trở thành kỷ niệm. Nhạc sĩ Song Ngọc đã viết nên một ca khúc buồn nhưng mãi bất tử trong lòng khán giả yêu âm nhạc. Dù ở giai đoạn nào bài hát cũng mang tâm trạng tê tái cõi lòng cho khán giả. Bài hát đã mang lại sự thành công cho nhiều ca sĩ và mỗi ca sĩ khi hát đều mang lại cho người yêu nhạc những cảm xúc riêng, nhưng rồi ai cũng trải lòng luyến tiếc cho mối tình tưởng chừng sẽ có kết thúc đẹp, nhưng lại là sự tiếc nuối trong khung trời thương nhớ.

Ngọc Tuyền

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận