Bức tượng Nữ Thần Tự Do nằm ở hải cảng New York khánh thành từ năm 1886 và nổi tiếng toàn thế giới cho tới nay. Xuất hiện sau đó chỉ 1 năm (1887), ở Hà NộiViệt Nam cũng đã từng có tượng Nữ Thần Tự Do giống với phiên bản tượng Nữ Thần ở Mỹ, nhưng nhỏ hơn 16 lần.
Phiên bản gốc, tượng Nữ Thần Tự Do là món quà của chính phủ Pháp tặng nước Mỹ nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh Mỹ 4/7/1884, nhưng phải hai năm sau mới được hoàn thành xong và khánh thành vào lễ quốc khánh Hoa kỳ ngày 28/10/1886 ở đảo Liberty thuộc New York. Người thực hiện là điêu khắc gia Frédéric Auguste Bartholdi. Tượng đúng ra mang tên “Tự do Soi Sáng Thế giới” với biểu hiệu tượng là một người phụ nữ mặc áo choàng rộng đại diện cho Nữ thần La mã mang tên Libertas, đầu đội vương miện có bẩy tia dài và nhọn tượng trưng cho nguồn sáng tỏa chiếu ra khắp bẩy đại dương (7 đại dương hiểu theo nghĩa hiện đại là: Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương, biển Địa Trung Hải và vịnh Mexico), và 7 châu (Châu Phi, Châu Á, Châu Âu, Châu Úc, Châu Nam Cực, Bắc Mỹ, Nam Mỹ), tay phải giương cao một bó đuốc, trong tay trái ôm một tấm bảng có ghi ngày độc lập Hoa Kỳ (4/7/1776). Tượng này cao 46m, dưới chân tượng có sợi xích sắt chặt đứt đoạn hàm ý chống lại ách nô lệ. Tượng là một biểu tượng cho Tự do và cho Hợp Chủng Quốc: một dấu hiệu đón chào tất cả những người di dân từ khắp nơi đến đất hứa.
Khi làm tượng Nữ thần, ngoài tượng chính, và một phiên bản khác kích thước cao hơn 11m đặt ở trên đảo Grenelle, sông Seine, Paris, điêu khắc gia Bartholdi có làm một số phiên bản gốc nhỏ có kích thước cỡ 2.85m (tỷ lệ 1/16 so với tượng chính), trong số đó, một bản đặt trong vườn Luxembourg, Paris, và một phiên bản nhỏ cùng cỡ được cho lên tàu mang sang Việt Nam để dự tham dự Hội chợ Đấu xảo Hà Nội (khu đất ngày nay là Cung văn hóa Hữu Nghị ViệtXô) vào năm 1887.
Sau khi chinh phục được vùng Đông Dương, và có Hòa ước Patenôtre vào năm 1884 (hòa ước Giáp Thân), chính phủ Pháp muốn tổ chức một cuộc đấu xảo/triển lãm (thời đó hai chữ đấu xảo được hiểu theo nghĩa là triển lãm). Địa điểm là một khu đất cỏ trống rộng, nơi thường được tổ chức thi Hương vào những nãm có cuộc thi. Cuộc triển lãm có mục đích phô trương sự văn minh, kỹ thuật tân tiến của Pháp cùng ý đồ “khai hóa”, mang ánh sáng văn minh soi sáng dân thuộc địa qua tượng “Tự Do soi sáng Thế giới”.
Sau cuộc triển lãm năm 1887, khu đất trống phải trả lại cho trường thi Hương diễn ra cứ bốn nãm một lần, tượng được hội Bắc kỳ tương tế (Fraternite Tonkinoise) mượn tạm để khánh thành trụ sở, sau đó tượng được Pháp trao lại cho cho chính quyền Hà Nội, và được mang đặt tại quảng trường bốn tòa nhà, nơi có một vườn hoa mới làm giữa bốn tòa nhà được dùng làm tòa Thị chính, Kho bạc, nhà Bưu điện, và phủ Thống sứ , nơi này sau đó được mang tên là vườn hoa Chí Linh (nơi hiện nay có tượng đài Lý Thái Tổ và mang tên công viên Lý Thái Tổ).
Khi chính phủ bảo hộ muốn mang tượng ông Paul Bertông Thống sứ Bắc kỳ đầu tiên đã qua đời vào ngày 11/11/1886, chỉ sau 7 tháng nhậm chức Thống sứtừ Pháp qua để kỷ niệm Quốc Khánh nước Pháp (14 tháng 7, 1890), họ muốn đặt tượng ông Paul Bert tại vườn hoa Chí Linh, vì vậy tượng Nữ Thần phải mang đi chỗ khác.
Trong khi chờ đợi một chỗ đặt, tượng Nữ thần phải đứng trên bãi đất đâu đó. Một kỹ sư Pháp tên Daurelle đề nghị đặt tượng ngay trên nóc Tháp Rùa ở Hồ Hoàn Kiếm. Tháp Rùa này cũng mới vừa được cho xây dựng vào năm 1886, bên trên gò Rùa mà thời xưa vua Lê Thánh Tômg đã cho dựng Điếu Đài để câu cá.
Tượng Nữ thần (người dân Hà Nội gọi là tượng Bà Đầm Xòe) đứng trên nóc Tháp Rùa, quay mặt về vườn hoa Chí Linh/vườn hoa Paul Bert/Ngân hàng Đông Dương gần cạnh đó.
Vườn hoa Paul Bert còn được gọi là vườn hoa Nhà kèn, vì ở đấy có một nhà bát giác mà hàng tuần đội kèn đồng của dàn quân nhạc Pháp ra đó biểu diễn.
Những chi tiết này được viết rõ trong cuốn “Le vieux Tonkin” (Bắc kỳ cổ xưa) của Claude Bourrin, viết về xứ Bắc trong thời điểm từ 1890 đến 1894 (nhà in IDEO, Hà Nội, 1941, tr. 48-49).
Như vậy bức tượng Nữ thần này nằm trên đỉnh Tháp rùa khoảng năm 1890, và được tháo xuống sau đó khoảng vài chục năm vì bị sự phản đối và chỉ trích nặng nề của người dân địa phương và cả một số giới chức Pháp. Có thông tin nói rằng tượng bị tháo khỏi Tháp Rùa năm 1896, nhưng trong bức hình chụp năm 1908 dưới đây của nữ nhiếp ảnh gia người Anh Gabrielle Maud Vassal (1880-1959), vẫn thấy rõ còn bức tượng trên đỉnh tháp Rùa.
Sau khi được gỡ khỏi tháp, tượng Nữ Thần được chuyển đến vườn hoa Neyret ở phía đông hồ Hoàn Kiếm (này là Vườn Hoa Cửa Nam gần Thư viện Quốc gia) cho đến năm 1945. Tượng vào thời điểm đó được mệnh danh là Tượng Đài Công Lý (Monument de La Justice).
Vào ngày 1 tháng 8, 1945, tượng Nữ thần (và một số tượng khác kể cả tượng Paul Bert) bị kéo đổ do lệnh của ông Trần Văn Lai, thị trưởng đầu tiên người Việt của Hà Nội, thời chính phủ Trần Trọng Kim. Bản tin trên báo Đông Pháp ngày 2/8/1945 cho biết, pho tượng Paul Bert bị kéo đổ lúc 9 giờ 10 phút, “Bà đầm xoè” bị giật đổ lúc 9 giờ 45 phút ngày 1/8/1945. Riêng bức tượng bán thân Pasteur vẫn còn đến ngày hôm nay, nằm tại vườn hoa Pasteur.
Những tượng đồng bị kéo đổ này được mang cất vào trong kho phế vật của sở Lục lộ thành phố Hà Nội từ năm 1945. Vào năm 1949, chùa Thần Quang thuộc làng Ngũ Xã khởi công dự án đúc tượng phật A Di Ðà.
Tài liệu cho biết trong ba năm chuẩn bị đúc tượng (1949-1952), chùa đã kêu gọi khách thập phương đóng góp nhiều đồ đồng để đúc tượng nhưng vẫn không đủ số lượng nên đã đến xin chính quyền ban cho những tượng đồng trong kho của sở Lục lộ Thành phố, và ông thị trưởng thành phố đã chấp thuận cho chùa Thần Quang tất cả số tượng đồng trong kho, trong số đó có cả tượng Nữ thần và tượng Paul Bert.
Ngày 26 tháng 10 năm 1952, số đồng thu thập đủ loại và từ nhiều tượng kể cả tượng Nữ thần và tượng Paul Bert được đun nóng chảy rồi đổ vào khuôn để đúc tượng A Di Đà cho chùa Thần Quang, làng Ngũ Xã. Pho đại tượng Phật A Di Đà ở chùa Thần Quang này có tư thế ngồi bằng. Tượng có chiều cao 3.95 m, chu vi phần dưới là 11.6m, chu vi toà sen (bệ tượng) là 15m, tổng cộng trọng lượng là khoảng trên dưới 10 tấn.
Phiên bản Tượng Nữ thần “Tự Do soi sáng Thế giới” được Pháp tặng cho Việt Nam vào năm 1887, qua nhiều thăng trầm di chuyển nhiều lần, rồi nằm trong bóng tối nhà kho hơn bảy năm trời, sau cùng tượng đã bị nấu chảy để lấy đồng đúc tượng A Di Đà vào năm 1952. Như vậy tổng cộng tượng Tự do đã hiện diện ở Hà Nội, Việt Nam được khoảng 65 năm (1887-1952)
20 năm sau tượng “Bà Đầm Xòe” ở Hà Nội, ở phía Nam cũng có một tượng Nữ Thần Tự Do khác. Đó là khoảng giữa thập niên 60 của thế kỷ 20, chính quyền địa phương ở Cần ĐướcTân An (nay là tỉnh Long An) đã dựng lên tại trung tâm quận lỵ phiên bản tượng Nữ thần Tự do bằng bê tông cao khoảng 4m, đặt trên bệ xi măng cao khoảng 2m. Dĩ nhiên bức tượng bê tông này không thể đẹp bằng phiên bản của Pháp làm bằng đồng, nhưng kích thước thì lớn hơn nhiều.
Bức tượng được đặt ở chính giữa quảng trường trước chợ Cần Đước, cạnh khu hành chính quận, cách Trường Trung học Cần Đước khoảng 100m. Nhưng chỉ được khoảng 4,5 năm thì bức tượng này đã bị hạ xuống để nhường chỗ cho tượng đài “Tổ quốc ghi ơn” như trong hình sau
Nơi dựng phiên bản tượng Nữ thần Tự do ngày nào giờ là trụ sở UBND thị thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước.
Theo tư liệu của tác giả Sóng Việt Đàm Giang