Hình ảnh sông nước miền Tây của Nam kỳ lục tỉnh (đất phương Nam) hơn 100 năm trước

0
0

Để hình dung về hình ảnh của vùng đất miền Tây cúa Nam kỳ lục tỉnh năm xưa, mời các bạn xem lại bộ ảnh được chụp hơn 100 năm trước, được chụp ở Sa Đéc, Châu Đốc, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh, Mỹ Tho thời thuộc Pháp.

Mỹ Tho

Mỹ Tho có địa thế thuận lợi, là trạm trung chuyển lớn nhất để chuyển hàng hóa từ các ghe chài lớn ở vùng Mekong lên Sài GònChợ Lớn qua con kinh Bảo Định và kinh Chợ Gạo. Mỹ Tho có thể phát triển đa dạng các nền sản xuất nôngngư nghiệp và kinh tế hàng hóa, cho nên từ thế kỷ 17, nơi này đã là một trong 2 trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ (cùng với Cù Lao Phố ở Biên Hòa).

Trong cuốn du ký Ở Đông Dương viết đầu thế kỷ 20, tác giả Gaston Donnet đã mô tả về Mỹ Tho như sau:

Mỹ Tho là điểm trung gian giữa các tỉnh hạ Nam Kỳ và vùng thượng Cao Miên. Mỹ Tho cũng là điểm cuối của các tuyến đường sắt Nam Kỳ, là thành phố lớn thứ 3 sau Sài Gòn và Chợ Lớn. Mỹ Tho chỉ có một con đường nằm dọc theo con kênh lầy lội, nhưng là con đường thật đẹp, đầy các cửa hiệu với đàn heo con lổn nhổn trước cửa. Mỹ Tho có chợ riêng, có tăng viện để thờ Phật Bà nổi tiếng của Trung Hoangười ngồi trên một tòa sen nở. Mỹ Tho có trường học, bệnh viện, thành quách, có di tích lịch sử…

Tầm quan trọng của Mỹ Tho còn được thể hiện ở việc người Pháp đã đặt tên một con đường mang tên quai de Mytho (Bến Mỹ Tho) cho con đường dọc rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ, sau này là Bến Lê Quang Liêm, ngày nay là một phần của đại lộ Võ Văn Kiệt.

Nguồn gốc của tên gọi Mỹ Tho được cho là bắt nguồn từ tiếng Khmer, đó là chữ Mi Sâr, nghĩa là xứ có người con gái da trắng đẹp.

Từ năm 1832, Mỹ Tho đã là trung tâm của tỉnh Định Tườnglà 1 trong 6 tỉnh đầu tiên của xứ Nam kỳ, thường gọi là Nam kỳ lục tỉnh. Khi đó Định Tường là tỉnh có địa giới rộng lớn, nếu tính so với thời điểm hiện tại thì nó bao gồm hầu hết tỉnh Đồng Tháp, phần lớn tỉnh Tiền Giang và 1/3 diện tích tỉnh Long An hiện nay. Khi kiểm soát được 3 tỉnh Gia Định, Định Tường (Mỹ Tho) và Biên Hòa bằng hiệp ước Nhâm Tuất 1862, rồi sau đó chiếm được cả Nam kỳ lục tỉnh từ năm 1867, người Pháp nhanh chóng nhận thấy địa thế quan trọng của vùng đất Mỹ Tho nên đã xây dựng tuyến đường xe lửa liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam, cũng là tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương vào năm 1881 và đi vào hoạt động từ năm 1889.

Để phục vụ cho tuyến xe lửa quan trọng này, nhiều công trình cầu và đường đã được xây dựng từ Sài Gòn cho đến Mỹ Tho, từ đó giao thông thuận lợi hơn, Mỹ Tho trở thành một đô thị quan trọng của Nam Kỳ.

Ít người biết rằng về mặt hành chánh thì từ cuối thế kỷ 19, thời của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thì Mỹ Tho đã là một “thành phố”. Tuy nhiên đây chỉ là tên gọi mang tính cường điệu, vì quy mô thực tế thì nơi này không thể sánh bằng 2 thành phố đích thực là Sài Gòn và Chợ Lớn. Điều này được nhắc đến trong hồi ký của ông Doumer xin trích nguyên văn sau đây:

Theo quyền hạn của mình, tôi đã đặt tên thành phố cho một số trung tâm dân cư, lỵ sở của các tỉnh, chẳng hạn như thành phố Mỹ Tho, thành phố Biên Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Sa Đéc. Gọi như thế là cường điệu lên rất nhiều đối với các thị trấn nhỏ đó và không chứng tỏ được chút nào bằng quy mô xây dựng cũng như dân số. Trong thực tế, chỉ có 2 thành phố ở Nam kỳ xứng với tên thành phố: Sài Gònthành phố hành chính, hàng hải và quân sự do người Pháp tạo lập, và Chợ Lớnthành phố thương mại và công nghiệp đã tồn tại trước khi chúng ta tới và có thể nói mang đặc trưng châu Á hơn đặc trưng An Nam.

Quá trình thành lập tỉnh Mỹ Tho và thị xã/thành phố Mỹ Tho:

Ngày 3/6/1865, Soái phủ Sài Gòn ban hành quyết định chia địa bàn tỉnh Định Tường cũ thành 4 hạt thanh tra hành chính, đó là Hạt thanh tra Mỹ Tho, Hạt thanh tra Kiến Hòa (sau đổi thành Hạt thanh tra Chợ Gạo), Hạt thanh tra Kiến Đăng (sau đổi thành Hạt thanh tra Cai Lậy) và Hạt thanh tra Cần Lố.

Năm 1871, chính quyền quyết định hạ số lượng 25 Hạt thanh tra toàn xứ Nam Kỳ xuống 18 hạt, các Hạt bị giải thể sẽ nhập vào các Hạt lớn hơn, Hạt thanh tra Mỹ Tho vẫn được duy trì, nhập thêm Hạt thanh tra Cái Bè (Kiến Đăng cũ) vào. Trước đó, Hạt thanh tra Chợ Gạo cũng đã được nhập vào Mỹ Tho từ năm 1869).

Năm 1876, Thống đốc Nam kỳ chia địa bàn Nam kỳ thành 4 khu vực hành chánh, mỗi khu vực có một số tiểu khu hay hạt tham biện, từ đó Hạt thanh tra Mỹ Tho trở thành Hạt tham biện Mỹ Tho, thuộc khu vực hành chánh thứ 2.

Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên gọi các hạt tham biện trên quản hạt Nam kỳ thành Tỉnh (Province) kể từ ngày đầu tiên của thế kỷ 20 (1/1/1900), từ đó Hạt tham biện Mỹ Tho được gọi là tỉnh Mỹ Tho tồn tại suốt thời kỳ Pháp thuộc.

Một số hình ảnh trắng đen Mỹ Tho đầu thế kỷ 20, thời kỳ Pháp thuộc:


Nhắc đến Mỹ Tho, không thể không nhắc đến chùa Vĩnh Tràng, ngôi chùa được xây dựng từ đầu thế kỷ 19. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu, và kiến trúc hiện nay là có từ đầu thế kỷ 20.

Chùa Vĩnh Tràng thập niên 1920:

Chùa Vĩnh Tràng năm 1947:

Châu Đốc

Vùng đất Châu Đốc nguyên là đất thuộc Chân Lạp, gọi là Tầm Phong Long (Kompong Long). Năm 1757, vua Chân Lạp là Nặc Tôn (Ang Ton) nhượng đất này cho chúa Nguyễn Phúc Khoát, chúa Nguyễn giao cho Nguyễn Cư Trinh vào và thành lập đạo Châu Đốc cùng với đạo Tân Châu và đạo Đông Khẩu (Sa Đéc).

Sau khi vua Gia Long lên ngôi, năm 1805 niên hiệu Gia Long thứ 3, đã đặt lại địa giới hành chính Châu Đốc thuộc trấn Hà Tiên, Châu Đốc lúc này gọi là Châu Đốc Tân Cương. Năm 1808, Châu Đốc thuộc huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh, thuộc Gia Định thành. Năm 1815, triều Nguyễn cho xây thành Châu Đốc. Đến 1825, Châu Đốc tách riêng thành Châu Đốc trấn.

Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh, phủ Gia Định chia thành Nam Kỳ lục tỉnh, đó là: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên và An Giang. Như vậy trấn Châu Đốc trước đó đổi thành tỉnh An Giang, lỵ sở đặt tại thành Châu Đốc (nay là thành phố Châu Đốc).

Địa bàn tỉnh An Giang dưới thời nhà Nguyễn rất rộng, bao gồm các phần đất mà nay là các tỉnh thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, một phần của các tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu của Việt Nam, và một phần của tỉnh TakeoCampuchia.

Năm 1867, Pháp chiếm trọn 6 tỉnh Nam kỳ, chia thành 24 hạt thanh tra, trong đó tỉnh An Giang đổi thành hạt thanh tra Châu Đốc.

Nghị định ngày 5/1/1876 của Thống đốc Nam kỳ chia địa bàn Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính, mỗi khu vực có một số tiểu khu hay hạt tham biện, từ đó hạt thanh tra Châu Đốc đổi thành hạt tham biện Châu Đốc.

Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên gọi hạt tham biện trên quản hạt Nam kỳ thành tỉnh (province), từ đó hạt thanh biện Châu Đốc thành tỉnh Châu Đốc, tỉnh này tồn tại suốt thời Pháp thuộc.

Nguồn gốc của tên gọi Châu Đốc cho đến ngày nay vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Theo chuyên khảo về tỉnh Châu Đốc do Hội nghiên cứu Đông Dương thực hiện năm 1902, có nhiều người cho rằng tên gọi này chỉ là cách nói trại ra từ một tiếng Cam Bốt là Meàth Chruk, có nghĩa là mõm heo, là tên gọi trước đây của cù lao được hình thành bởi Sông Tiền và Sông Hậu, sông Naréa và Sông Vàm Nao. Người Khmer cũng gọi cù lao này là SlaKét (cây cau dại).

Một số người khác cho rằng tên Châu Đốc là ghép từ họ Châu của bà Châu Thị Tế (vợ của Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu, người đã cho đào kinh Vĩnh Tế ở An Giang), với chữ Đốc là danh hiệu nhà vua ban cho vị quan đầu tỉnh.

Cũng có ý kiến khác nói rằng theo những ký tự dùng để viết chữ Châu Đốc, thì nguồn gốc thực sự có thể là (Châu), có nghĩa là tỉnh và (Đốc), có nghĩa là bất diệt,…

Ngày 22/10/1956, tổng thống VNCH quyết định sáp nhập tỉnh Châu Đốc với tỉnh Long Xuyên để thành lập tỉnh An Giang, tỉnh lỵ đặt tại Long Xuyên, chứ không phải là ở Châu Đốc như tỉnh An Giang thời nhà Nguyễn nữa.

Ngày 8/9/1964, Thủ tướng chính quyền mới của VNCH ký Sắc lệnh tái lập tỉnh Châu Đốc kể từ 1/10/1964, trên cơ sở các quận Châu Phú, Tân Châu, An Phú, Tri Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang trước đó. Lúc bấy giờ, xã Châu Phú thuộc quận Châu Phú vừa đóng vai trò là quận lỵ quận Châu Phú, đồng thời cũng là tỉnh lỵ tỉnh Châu Đốc trong giai đoạn 1964-1975. Tuy nhiên chính quyền MTDTGPMNVN (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) không công nhận việc tái lập tỉnh Châu Đốc, mà vẫn xem thị xã Châu Đốc trực thuộc tỉnh An Giang.

Từ sau năm 1975, Châu Đốc vẫn là thị xã của tỉnh An Giang, nhưng tỉnh lỵ của tỉnh An Giang vẫn đặt ở thị xã Long Xuyên (sau đó là thành phố Long Xuyên) từ năm 1956 cho đến nay.

Từ năm 2015, thị xã Châu Đốc trở thành thành phố, là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang.

Sau đây là những hình ảnh xưa của tỉnh Châu Đốc từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20:

Một số “nhà làng” ở Châu Đốc, thường gọi tên khác là “nhà việc”, đây có thể là trụ sở hành chính cấp làng.

Thời Pháp thuộc, tỉnh Châu Đốc có 10 tổng, dưới tổng chia thành các làng.

Ngày nay, đây là phủ thờ của dòng họ Lê Công, nằm trên đường Lê LợiChâu Đốc, mặt quay ra ngã ba sông về hướng Tân Châu.

Theo ghi chép của gia tộc Lê Công thì dòng họ này đã có mặt tại trấn Châu Đốc (nay là thị xã thuộc tỉnh An Giang) từ những ngày đầu khẩn hoang mở đất (từ khoảng năm 1785-1837). Qua nhiều đời tiếp nối khai phá khẩn hoang đất Châu Đốc, họ Lê Công đã có nhiều công lao đáng kể trong việc hiến đất, xây dựng trường học, chợ và nhà thương từ khi còn là trấn Châu Đốc cho đến thời Pháp thuộc.

Ngôi nhà thờ họ Lê Công được khởi công từ năm 1908 và hoàn thành sau bốn năm xây dựng (1912) trong khuôn viên khoảng một mẫu. Bao quanh khu đất là hàng rào song sắt, với hai cổng chính nằm phía trước sân. Phía trước có sân trồng cây kiểng quý và hoa phong lan. Dáng vẻ kiến trúc bên ngoài ngôi nhà trông tựa như những tòa nhà của người Pháp xây dựng ở Việt Nam thời ấy, nhưng bên trong mang đậm kiến trúc thuần Nam bộ.

Khu lăng mộ của ông quan Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu, trấn thủ Định Tường từ năm 1808. Từ năm 1813, ông lãnh chức bảo hộ Cao Miên, nên sau này cũng được gọi là Bảo hộ Thoại. Năm 1813, ông nhậm chức trấn thủ Vĩnh Thanh, rồi 1821 là thống chế bảo hộ Cao Miên, kiêm án thủ Châu Đốc đồn, kiên quản trấn Hà Tiên.

Thoại Ngọc Hầu là người đã tập hợp lưu dân, khai sơn khẩn đất, phát triển nông nghiệp trong vùng ông cai quản. Nhờ vậy những vùng hoang hóa, rừng rậm không người lui tới trở thành những vùng ruộng đất tốt tươi, con người tập trung sinh sống hòa bình, sung túc.

Đặc biệt, ông là người tổ chức đào 2 kênh Thoại Hà và Vĩnh Tế, có ý nghĩa quan trọng về giao thông và thương mại, góp phần phát triển vùng đất An Giang suốt 200 năm qua.

Khu lăng mộ này gồm có mộ Thoại Ngọc Hầu và người vợ cả Châu Thị Tế, vợ thứ Trương Thị Miệt, cùng các gia nhân. Khu mộ được chính quyền thuộc địa trùng tu năm 1888.

Ngày nay, khu lăng mộ này vẫn còn và được chăm sóc chu đáo.

Hình ảnh Châu Đốc thời điểm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 (được chụp trong khoảng thời gian 1895-1905, đa số là vào năm 1902):

Một số hình ảnh khác của Châu Đốc thập niên 1920:

Sa Đéc

Thời Pháp thuộc, địa bàn tỉnh Đồng Tháp ngày nay bao gồm hầu hết địa bàn tỉnh Sa Đéc, cộng thêm quận Hồng Ngự của tỉnh Châu Đốc, một phần của tỉnh Long Xuyên và một phần nhỏ đất của tỉnh Mỹ Tho.

Tên gọi Đồng Tháp chỉ xuất hiện từ năm 1976, khi chính quyền mới hợp nhất 2 tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong (tỉnh lỵ của Kiến Phong đặt ở Cao Lãnh) để thành lập tỉnh Đồng Tháp, ban đầu tỉnh lỵ đặt ở Sa Đéc, đến năm 1994 dời về thị xã Cao Lãnh.

Tên tỉnh Đồng Tháp được lấy từ cái tên Đồng Tháp Mười, là tên gọi vùng đất ngập nước của đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa thuộc tỉnh Định Tường thời nhà Nguyễn, trải rộng trên các tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp của hiện nay.

Như vậy, khi nói về lịch sử hình thành tỉnh Đồng Tháp ngày nay, người ta thường nhắc đến tỉnh Sa Đéc, là tên tỉnh tồn tại suốt thời Pháp thuộc cho đến năm 1975, với rất nhiều lần tách nhập lãnh thổ.

Vùng đất Đồng Tháp vào thời xa xưa vốn thuộc vương quốc cổ Phù Nammột quốc gia cổ đại hùng mạnh ở Đông Nam Á, vào khoảng đầu Công nguyên (thế kỷ 16). Đến khoảng thế kỷ 17, thế kỷ 18 dưới thời các Chúa Nguyễn, vùng đất này được người Việt khai phá. Từ đầu thế kỷ 17, đã có lưu dân Việt đến vùng Sa Đéc khẩn hoang, lập ấp. Thời vua Gia Long, Sa Đéc thuộc huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh.

Từ năm 1832, sau cải cách hành chính của vua Minh Mạng, phần đất tỉnh Đồng Tháp ngày nay nằm trên địa bàn của hai tỉnh thời nhà Nguyễn là tỉnh Định Tường và An Giang.

Hai tỉnh này lần lượt bị Pháp chiếm vào năm 1861 và 1867, sau đó chính quyền thuộc địa xóa bỏ tên gọi các tỉnh, chia lại khu vực hành chính, đặt ra các hạt Thanh tra.

Đối với tỉnh Định Tường cũ, Pháp chia thành 4 hạt thanh tra, trong đó phần lãnh thổ thuộc Đồng Tháp hiện nay mang tên Hạt thanh tra Kiến Tường, ban đầu lỵ sở đặt ở Cao Lãnh. Sau này lỵ sở dời về Cần Lố, nên tên Hạt cũng đổi thành Hạt thanh tra Cần Lố.

Đối với tỉnh An Giang cũ, Pháp chia thành các hạt, trong đó phần lãnh thổ thuộc Đồng Tháp hiện nay mang tên Hạt thanh tra Tân Thành, được thành lập dựa trên phần đất của phủ Tân Thành thuộc tỉnh An Giang cũ.

Vì lỵ sở của hạt Tân Thành đặt ở Sa Đéc, nên sau đó hạt đổi tên thành Hạt thanh tra Sa Đéc kể từ 16/8/1867.

Lúc này trong Hạt thanh tra Sa Đéc có huyện Phong Phú, tương ứng với tỉnh Cần Thơ hiện nay. Đến 4/12/1867, huyện Phong Phú được tách ra khỏi Sa Đéc để thành Hạt thanh tra riêng, lỵ sở đặt ở Cần Thơ nên được gọi là Hạt thanh tra Cần Thơ. (Thời gian sau đó, lãnh thổ Cần Thơ có thêm vài lần tách nhập vào địa phận Sa Đéc).

Ngày 20/9/1870, Hạt thanh tra Cần Lố (thuộc tỉnh Định Tường cũ) giải thể, một phần nhập vào Hạt thanh tra Sa Đéc.

Cái tên Sa Đéc xuất phát từ tiếng Khmer là Phsar-Dek, có nghĩa là “chợ sắt”.

Nghị định ngày 5/1/1876 của Thống đốc Nam kỳ chia địa bàn Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính, mỗi khu vực có một số tiểu khu hay Hạt tham biện, từ đó Hạt thanh tra Sa Đéc thành Hạt tham biện Sa Đéc, thuộc khu vực hành chính thứ 3.

Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên gọi các Hạt tham biện ở Nam kỳ thành Tỉnh (province), từ đó Hạt tham biện Sa Đéc thành Tỉnh Sa Đéc.

Năm 1913, chính quyền thuộc địa quyết định giải thể tỉnh Sa Đéc để nhập vào địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Phần đất của tỉnh Sa Đéc được chia thành 3 quận: Sa Đéc, Cao Lãnh, Lai Vung thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Năm 1924, Toàn quyền Đông Dương cho tái lập tỉnh Sa Đéc với 3 quận trực thuộc: Châu Thành (đổi tên từ quận Sa Đéc), Cao Lãnh và Lai Vung.

Ngày 17/2/1956, chính quyền VNCH vẫn duy trì tỉnh Sa Đéc, nhưng tách một phần ra để thành lập tỉnh mới tên là Phong Thạnh. Cái tên này xuất phát từ tổng Phong Thạnh năm xưa thuộc Hạt thanh tra Cần Lố tách ra từ tỉnh Định Tường cũ rồi sau đó nhập vô Hạt thanh tra Sa Đéc như đã nói ở trên.

Tỉnh Phong Thạnh bao gồm phần đất đai của quận Cao Lãnh của tỉnh Sa Đéc, quận Hồng Ngự của tỉnh Châu Đốc, một phần của quận Chợ Mới thuộc tỉnh Long Xuyên, và một phần nhỏ của quận Cái Bè thuộc tỉnh Mỹ Tho. Tỉnh lỵ của tỉnh mới Phong Thạnh đặt tại Cao Lãnh.

Tỉnh Sa Đéc còn lại 3 quận mang tên Châu Thành, Lai Vung và Lấp Vò.

Chỉ 8 tháng sau khi thành lập, đến ngày 22/10/1956, tỉnh Phong Thạnh đổi tên thành tỉnh Kiến Phong, đồng thời toàn bộ phần còn lại của tỉnh Sa Đéc bị giải thể, sáp nhập vô tỉnh Vĩnh Long. Cái tên tỉnh Kiến Phong xuất phát từ tên huyện Kiến Phong thuộc tỉnh Định Tường cũ.

Tròn 10 năm sau đó, vào ngày 24/9/1966, chính quyền VNCH quyết định tái lập tỉnh Sa Đéc như cũ, tách ra từ tỉnh Vĩnh Long.

Tháng 2 năm 1976, chính quyền mới cho hợp nhất 2 tỉnh Kiến Phong và Sa Đéc thời VNCH thành tỉnh mang tên Đồng Tháp, tỉnh lỵ đặt tại Sa Đéc, với 6 huyện ban đầu là: Cao Lãnh, Châu Thành, Hồng Ngự, Lấp Vò, Tam Nông, Lai Vung. Thời gian sau đó, các huyện này lại được tách ra thành các huyện mới: Tháp Mười, Thanh Bình, Tân Hồng…

Ngày 29/4/1994, chính phủ ban hành nghị định di chuyển tỉnh lỵ Đồng Tháp từ thị xã Sa Đéc về thị xã Cao Lãnh.

Năm 2007, thị xã Cao Lãnh trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Nam 2008, huyện Hồng Ngự trở thành thị xã Hồng Ngự.

Năm 2013, thị xã Sa Đéc thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Năm 2020, thị xã Hồng Ngự được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh.

Hình ảnh tỉnh Sa Đéc thời thuộc Pháp:

Vĩnh Long

Vùng đất Vĩnh Long có một vị thế đặc biệt của vùng đồng bằng Sông Cửu Long, nằm ngay chính giữa hai nhánh sông chính của sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu, là nơi khởi nguồn của sông Cổ Chiênmột nhánh của Mekong.

Phía Bắc của Vĩnh Long giáp với Mỹ Tho, Đông giáp Bến Tre, phía Nam giáp với Trà Vinh và Cần Thơ, còn phía tây là tỉnh Sa Đéc xưa, nay thuộc Đồng Tháp. Từ tỉnh lỵ của Vĩnh Long đến Sài Gòn là khoảng cách 128km.

Tỉnh Vĩnh Long có 3 nguồn nước chính từ 3 con sông lớn đi qua, đó là sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, ngoài ra còn có vô số rạch và kinh đào xẻ ngang xẻ dọc khắp tỉnh. Những con rạch chính là Mang Thít, Sông Ngang, Long Hồ, Bà Kè, Vũng Liêm, Bà Phong, Cái Cá, Cái Cau. Sau khi Vĩnh Long là là thuộc địa của Pháp, chính quyền tỉnh đã cho đào nhiều con kinh để nối liền các con rạch với nhau, như là Kinh Cái Cau, kinh Chà Và, kinh Bocquet, kinh Ông Me, kinh Bưng Trường, Trà Ngoa, Huyên Thuyền… Những kinh rạch này đóng vai trò quan trọng trong việc tháo nước và dẫn nước để canh tác.

Về khí hậu của vùng đất Vĩnh Long xưa, trong cuốn chuyên khảo về tỉnh Vĩnh Long do hội nghiên cứu Đông Dương thực hiện năm 1911 đã ghi lại như sau:

“…một năm có 2 mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa, theo các đợt gió mùa xen kẽ. Gió mùa ĐôngBắc, tương ứng với mùa khô, kéo dài từ tháng 11 đến tháng tư. Mùa mưa bắt đầu với gió mùa TâyNam vào tháng 5 và kết thúc vào giữa tháng 11. Nhiệt độ cao và thay đổi từ 20 tới 30-32 độ C, nhiệt độ thấp nhất là vào đầu mùa khô, tháng 12 và tháng giêng, giao thời giữa gió mùa ĐôngBắc và gió mùa TâyNam là thời gian nóng nhất trong năm.

Tỉnh Vĩnh Long là vùng đất đặc biệt thấp và ẩm, nên đất canh tác chỉ thích hợp với việc trồng lúa. Sản lượng gạo trồng tại đây lớn và không ngừng gia tăng, chất lượng gạo cũng khá được ưa chuộng”.

Về địa hình, phần chuyên khảo này cũng cho biết Vĩnh Long không có rừng và núi, tuy nhiên về hướng Trà Vinh, người ta thấy có một số giồng (đất cát và cao hơn ruộng một chút), như giồng An Nhơn, giồng Thủ Bá, giồng Gòn, giồng Cô Hon.

Lịch sử vùng đất Vĩnh Long gắn liền với sự hình thành của phương Nam. Năm 1698, khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, toàn bộ vùng đất mới phương Nam chính thức trở thành một đơn vị hành chính mang tên phủ Gia Định.

Năm 1714, đời chúa Nguyễn Phúc Chu, lúc này Vĩnh Long là trung tâm của châu Định Viễn, bao gồm một phần của Bến Tre ở mạn trên và Trà Vinh ở mạn dưới thuộc Long Hồ Dinh.

Năm 1732, chúa Nguyễn đã lập ở phía nam dinh Phiên Trấn đơn vị hành chính mới là Dinh Long Hồ, Châu Định Viễn, đất Vĩnh Long thuộc Dinh Long Hồ.

Năm 1779, đổi tên thành Hoằng Trấn dinh. Giai đoạn từ năm 1780 đến năm 1805, đổi thành Vĩnh Trấn, năm 1806, Vĩnh Trấn được đổi thành Trấn Vĩnh Thanh.

Cái tên Vĩnh Long chính thức xuất hiện từ năm 1832, khi vua Minh Mạng đổi tên Vĩnh Thanh thành Vĩnh Long.

Về ý nghĩa của tên gọi Vĩnh Long, đó là chữ Vĩnh trong chữ vĩnh viễn, vĩnh hằng, nghĩa là “mãi mãi”; Long có nghĩa là long trọng, nghĩa là “thịnh vượng, giàu có”. Tên Vĩnh Long thể hiện mong muốn nơi đây luôn luôn được thịnh vượng.

Từ thời điểm năm 1832 trở về sau, Vĩnh Long là một trong 6 tỉnh Nam kỳ, được gọi là Nam kỳ lục tỉnh dưới triều Nguyễn, cho đến khi tất cả 6 tỉnh này trở thành thuộc địa của Pháp từ năm 1867.

Cũng vào giai đoạn này, có một nhân vật lịch sử gắn liền với đất Vĩnh Long và có ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của “Nam kỳ lục tỉnh”, đó là cụ Phan Thanh Giản, người được Hội nghiên cứu Đông Dương (vào đầu thế kỷ 20) mô tả là cương trực và tính khí mạnh mẽ.

Phan Thanh Giản sinh năm 1796 ở Vĩnh Long, đỗ tiến sĩ đầu tiên ở Nam kỳ, làm thị lang bộ Hộ, rồi thị lang bộ Binh, thượng thư bộ Hình, thượng thư bộ Lại, thượng thư bộ Binh. Năm 1862, Phan Thanh Giản được triều đình Huế cử làm Chánh sứ nghị hòa với Pháp ở Gia Định, ký hiệp ước nhượng 3 tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hòa cho Pháp. Vì việc này, ông bị giáng làm Tổng đốc Vĩnh Long, và cũng vì vậy mà cho đến nay côngtội của ông vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Sau đó Phan Thanh Giản được phụ chức để làm chánh sứ sang Pháp, thăng Thượng thu bộ Hộ, sau đó làm Kinh lược đại thần đến trông coi 3 tỉnh còn lại của Nam kỳ là Hà Tiên, Vĩnh Long, An Giang. Năm 1867, Pháp lại kéo đến đòi 3 tỉnh này, Phan Thanh Giản không cản được, chọn cách quyên sinh để tỏ lòng trung liệt.

Trong cuốn chuyên khảo về Vĩnh Long của hội nghiên cứu Đông Dương thực hiện năm 1911, Nhà xuất bản Trẻ tái bản năm 2017, đã nói về cụ Phan Thanh Giản như sau:

“Khi 3 tỉnh miền Tây bị chiếm đóng (năm 1867), Phan Thanh Giản đã là một cụ già ngoài 70 tuổi. Trong suốt cuộc đời dài làm quan, ông đã luôn phục vụ đất nước của mình với một lòng tận tụy và vô tư lợi tuyệt đối. Biến cố định mệnh chấm dứt cuộc đời của cụ là một trong những bất công của số mệnh mà chỉ có những tâm hồn lớn mới có thể chịu đựng không suy suyển. Cụ nhìn tương lai, những khiển trách của nhà vua về những lỗi lầm tuy không thuộc trách nhiệm của cụ và cụ vẫn muốn tránh, những chỉ trích và lên án đầy ác tâm của các kẻ thù chánh trị của cụ, nguy cơ đánh mất danh dự của mình, tất cả những thứ này, cụ đã nhìn với một tâm hồn kiên cường và bình tĩnh. Cụ đã bước ra khỏi đó, vĩ đại như người xưa. Sau khi chuẩn bị quan tài cho mình và sau khi viết một bức thư dài và cảm động gửi đô đốc de Lagrandiere, cụ cho gọi gia đình đã được cụ triệu tập về Vĩnh Long, long trọng khuyên nhủ các con không được phụ vụ Pháp, mà là sống an bình tại làng của họ, và ra lệnh phải giáo dục các cháu như người Pháp, đoạn, trước mắt mọi người trong gia đình, cụ uống một liều thuốc cực mạnh.

Đô đốc de Lagrandiere đã viết cho người con trai cả của cụ một bức thư phân ưu và ra lệnh đặt quan tài trên một chiếc ghe lớn, được thuyền kéo tới tận nơi cụ sinh ra ở làng Bảo Thạnh, gần cửa Ba Lai ở Bến Tre. Một đơn vị quân đội Pháp làm lễ mặc niệm cụ trước sự hiện diện của đông đảo dân chúng. Mộ của cụ, thật giản dị, mang tấm bia khắc chữ: Lương Khê Phan Tao nông chi mộ, nghĩa là “Tại nơi Lương Khê này, có mộ của cụ nông dân họ Phan”.

Sau khi Vĩnh Long thuộc về Pháp, hạt thanh tra Định Viễn được thành lập, lỵ sở đặt ở Vĩnh Long. Quyết định ngày 16/8/1867 đổi tên hạt thành tra Định Viễn thành hạt thanh tra Vĩnh Long.

Nghị định ngày 5/1/1876 của Thống đốc Nam kỳ chia địa bàn Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính, mỗi khu vực có có một số tiểu khu hay hạt tham biện, hạt thanh tra Vĩnh Long đổi tên thành hạt tham biện Vĩnh Long.

Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên gọi hạt tham biện trên quản hạt Nam kỳ là Tỉnh (Province) kể từ ngày 1/1/1900, từ đó hạt tham biện Vĩnh Long đổi thành tỉnh Vĩnh Long.

Từ năm 1951, tỉnh Vĩnh Long có thời gian ngắn đổi tên thành tỉnh Vĩnh Trà, đến 1954 thì chính quyền VNCH đổi lại thành Vĩnh Long như cũ.

Đầu năm 1976, Vĩnh Long đã sáp nhập với Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long, nhưng đến ngày 26 tháng 12 năm 1991 lại tách ra thành hai tỉnh riêng như cũ. Khi tách ra, tỉnh Vĩnh Long, gồm thị xã Vĩnh Long và 5 huyện: Bình Minh, Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm.

Ngày 10 tháng 4 năm 2009, thành lập thành phố Vĩnh Long trực thuộc tỉnh Vĩnh Long, trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính thuộc thị xã Vĩnh Long cũ.

Sóc Trăng

Tên gọi tỉnh Sóc Trăng (trước đây gọi là Sốc Trăng) là bắt nguồn từ tiếng Khmer: Srok Khl’eang.

Srok Khl’eang, trong tiếng Khmer thì Srok là xứ, xóm, cõi đất, vùng đất; còn Khl’eang là kho, lẫm, nơi chứa bạc. Srok Khl’eang là kho chứa bạc của nhà vua, tiếng Việt âm là /Sóc-khơ-lang/, lâu ngày nói trại thành Sốc (Sóc) Trăng.

Theo Chuyên khảo về tỉnh Sốc Trăng do Hội nghiên cứu Đông Dương thực hiện năm 1904 thì cách đặt tên này là do thực tế các kho bạc ở vùng Ba Thắc được đặt ở vị trí Sóc Trăng. Ba Thắc là tên một vùng đất của đế quốc Khmer, bao gồm cả Sóc Trăng và Bạc Liêu ngày nay.

Ở Sóc Trăng ngày nay vẫn còn một ngôi chùa mang tên Khl’eang (ở địa chỉ số 6 Tôn Đức Thắng, TP. Sóc Trăng) còn lưu giữ một bản sao tài liệu ghi chép từ thư tịch cổ, trong đó có nói đến nguồn gốc địa danh Sóc Trăng, lịch sử xây dụng chùa.

Trước khi Sóc Trăng thuộc về người Việt thì nó thuộc vùng Ba Thắc của người Khmer.

Xứ này chính thức thuộc về quản lý của người Việt là vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát làm chủ ở Đàng Trong, đó là thời kỳ tình hình nội bộ của vương quốc Chân Lạp rối ren, hoàng gia tranh giành ngôi báu. Trong hoàn cảnh đó, Nặc Thuận (chú họ của vua Chân Lạp là Nặc Nguyên) đã dâng hai phủ Trà Vinh và Ba Thắc cho chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ba Thắc thuộc về lãnh thổ của các chúa Nguyễn trong giai đoạn 1757-1792. Sau đó chúa Nguyễn Ánh cắt đất Ba Thắc trả về cho Nặc Ấn (vua của Cao Miên).

Từ sau năm 1835, thời vua Minh Mạng,vùng đất Ba Thắc (tiền thân của Sóc Trăng) mới hoàn toàn thuộc vào lãnh thổ Đại Nam khi quan phiên người Cao Miên là Trà Long xin đặt quan cai trị, vua Minh Mạng liền đổi tên phủ là Ba Xuyên thuộc tỉnh An Giang và cho đặt chức an phủ sứ để quản phủ này.

Dưới triều Minh Mạng, Sóc Trăng từng được gọi là Nguyệt Giang (chữ Sóc biến thành chữ Sông, Trăng thành Nguyệt nên Sóc Trăng biến thành Sông Trăng rồi bị đổi thành Nguyệt Giang).

Suốt trong thời kỳ nhà Nguyễn, Sóc Trăng thuộc phủ Ba Xuyên tỉnh An Giang (là một trong 6 tỉnh Nam kỳ thời vua Tự Đức).

Năm 1867, Pháp chính thức chiếm được toàn bộ 6 tỉnh Nam kỳ, chia ra thành các hạt thanh tra để quản lý. Khi đó phủ Ba Xuyên trở thành hạt thanh tra Bãi Xàu, lỵ sở đặt tại Vàm Ba.

Quyết định ngày 15/7/1867 ấn định trụ sở chính thức của hạt thanh tra Bãi Xàu chuyển về Sóc Trăng, đồng thời hạt thanh tra Bãi Xàu cũng đổi tên thành hạt thanh tra Sóc Trăng. Đây là lần đầu tiên tên gọi Sóc Trăng trở thành tên hành chánh chính thức.nTừ đó, địa bàn hạt thanh tra Sóc Trăng là địa bàn phủ Ba Xuyên trước đó.

Nghị định ngày 5/1/1876 của Thống đốc Nam kỳ chia địa bàn Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính, hạt thanh tra Sóc Trăng đổi thành hạt tham biện Sóc Trăng, thuộc khu vực hành chính thứ 4.

Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên gọi các hạt tham biện ở Nam kỳ thành Tỉnh (province), từ đó hạt tham biện Sóc Trăng đổi thành tỉnh Sóc Trăng.

Đầu thời kỳ đệ nhất cộng hòa, ban đầu tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn duy trì tên gọi tỉnh Sóc Trăng, đến tháng 10 năm 1956 thì sáp nhập 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu thành một tỉnh mang tên là Ba Xuyên. Tên gọi này vốn là tên cũ của vùng đất Sóc TrăngBạc Liêu thời nhà Nguyễn (phủ Ba Xuyên thuộc phủ An Giang cũ). Tỉnh lỵ của tỉnh Ba Xuyên đặt tại Sóc Trăng, nhưng lúc này lại đổi tên là Khánh Hưng, lấy theo tên xã Khánh Hưng thuộc quận Châu Thành.

Đến năm 1964, chính phủ quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu, phần thời trước 1956 vẫn giữ nguyên tên là tỉnh Ba Xuyên. (Mặc dù vậy, chính quyền MTDTGPMNVN, và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam không công nhận tên gọi Ba Xuyên, mà vẫn dùng tên chính thức là Sóc Trăng xuyên suốt từ thời Pháp thuộc).

Năm 1976, chính quyền hợp nhất tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ để thành lập một tỉnh mới có tên là tỉnh Hậu Giang.

Tỉnh Hậu Giang lúc này gồm có thành phố Cần Thơ, thị xã Sóc Trăng và 12 huyện: Châu Thành, Kế Sách, Long Mỹ, Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Ô Môn, Phụng Hiệp, Thạnh Trị, Thốt Nốt, Vị Thanh, Vĩnh Châu. Tỉnh lỵ tỉnh Hậu Giang lúc đó là thành phố Cần Thơ.

Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội ban hành nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành hai tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng trở lại như cũ.

Một số hình ảnh chợ Sóc Trăng xưa:

Trà Vinh

Vùng đất Trà Vinh nằm ở phần cuối cù lao lớn, kẹp giữa sông Cổ Chiên và sông Hậu. Tỉnh Trà Vinh đã được người Pháp thành lập trên cơ sở tách từ tỉnh Vĩnh Long cũ (Vĩnh Long là 1 trong 6 tỉnh Nam kỳ thời nhà Nguyễn). Từ năm 1956-1975, chính quyền VNCH đổi tên tỉnh Trà Vinh thành Vĩnh Bình, với tỉnh lỵ là Phú Vinh.

Vùng đất Trà Vinh trước khi thuộc về người Việt vốn là lãnh thổ của nước Chân Lạp (nhà nước của người Khmer). Xứ này chính thức thuộc về quản lý của người Việt là vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát làm chủ ở Đàng Trong, đó là thời kỳ tình hình nội bộ của vương quốc Chân Lạp rối ren, hoàng gia tranh giành ngôi báu. Trong hoàn cảnh đó, Nặc Thuận (chú họ của vua Chân Lạp là Nặc Nguyên) đã dâng hai phủ Trà Vinh và Ba Thắc (Sóc Trăng) cho chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Nguồn gốc của tên gọi Trà Vinh, ban đầu vốn tên là Trà Vang, là từ tiếng Khmer, đọc trại từ chữ Prăc Prâbăng, có nghĩa là “hồ Phật”. Hồ này nằm trong làng Đồn Hoa, thuộc tổng Trà Phú, cách trung tâm tỉnh lỵ 9km, bên cạnh hồ có ngôi chùa Khmer do vua Chân Lạp xây dựng.

Vì không có chữ Hán nào tương đương với cách đọc Prăc Prâbăng của người Khmer nên người Việt sử dụng chữ Trà thay cho Prâ, và Vang để đọc từ Băng, do đó tên gọi thành Trà Vang, sau đó thành Trà Vinh.

Thời nhà Nguyễn, Trà Vinh là tên 1 huyện (trước đó là phủ) thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long được lập ra năm 1832.

Năm 1867, quân Pháp chiếm được toàn bộ 6 tỉnh Nam kỳ, trong đó có tỉnh Vĩnh Long, bao gồm cả phủ Lạc Hóa. Cùng trong năm này, thực dân Pháp chia địa bàn toàn cõi Nam kỳ thành 25 hạt thanh tra, lúc này xứ Trà Vinh trực thuộc hạt thanh tra Lạc Hóa.

Quyết định ngày 15/7/1867 ấn định trụ sở chính thức của hạt Lạc Hóa tại Trà Vinh thay cho An Thiêm, đồng thời đổi tên hạt thanh tra Lạc Hóa thành hạt thanh tra Trà Vinh.

Nghị định ngày 5/1/1876 của Thống đốc Nam kỳ chia địa bàn Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính, mỗi khu vực có các hạt tham biện, từ đó hạt thanh tra Trà Vinh đổi thành hạt tham biện Trà Vinh, thuộc khu vực hành chính thứ 3.

Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên gọi các hạt tham biện ở Nam kỳ thành Tỉnh (province). Từ đó hạt tham biện Trà Vinh đổi tên gọi thành tỉnh Trà Vinh suốt từ đó cho đến nay (chỉ trừ giai đoạn 1956-1975 tên gọi chính thức là tỉnh Vĩnh Bình).

Khi người Pháp bắt đầu cai trị Trà Vinh thì xứ này hoàn toàn chưa có đường giao thông. Vùng có nhiều con rạch nhỏ chảy qua, nhưng ghe thuyền không đi lại được. Từ thời kỳ này, các công trình đào kênh được khởi sự và góp phần quan trọng vào việc phát triển vùng đất này. Các con đường nối từ Trà Vinh với các tỉnh lân cận là Bến Tre, Vĩnh Long, Sốc Trăng cũng được mở ra. Ngoài ra tất cả các tổng trong tỉnh cũng bắt đầu có đường nối liền các tổng với nhau, bên trong làng cũng có đường nhỏ, thông với nhau.

Tỉnh Trà Vinh xưa và nay có hình chữ nhật, ranh giới tự nhiên tại 3 cạnh là sông Cổ Chiên ở phía Bắc giáp tỉnh Bến Tre, phía Nam có sông Hậu giáp tỉnh Sóc Trăng (xưa gọi là Sốc Trăng), phía còn lại giáp biển Đông.

Trong chuyên khảo về tỉnh Trà Vinh được Hội Nghiên Cứu Đông Dương thực hiện hồi đầu thế kỷ 20, tỉnh Trà Vinh được nhận xét là được thiên nhiên dành cho những tính chất cần thiết để trở thành một xứ sở đồng ruộng phì nhiêu, gần như trọn diện tích của tỉnh là cánh đồng bằng phẳng với một số giồng, những dải đất cát dài có pha trộn đất màu mỡ, đặc biệt là thích hợp với các loại canh tác khác nhau.

Một số hình ảnh bệnh viện Trà Vinh 100 năm trước:

Chợ ở Trà Vinh xưa:

Chùa ở Trà Vinh xưa:

Nhà thờ ở Trà Vinh:

Trường học ở Trà Vinh xưa:

Một số hình ảnh khác của Trà Vinh xưa:

Cần Thơ

Cần Thơ là một trong những thành phố lớn nhất ở miền Nam, đồng thời được xem là thủ phủ của miền Tây Nam Bộ với tây gọi là Tây Đô.

Về nguồn gốc tên gọi “Cần Thơ”, đến nay vẫn chưa được khẳng định chắc chắn mà chỉ dựa theo giai thoại, truyền thuyết.

Có giai thoại kể rằng khi chúa Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu, thuyền ngài lênh đênh trên sông Hậu, trong đêm khuya thanh vắng ngài nghe có tiếng ngâm thơ, đờn địch, hò hát hòa nhau rất nhịp nhàng, từ một khúc sông xa vọng lại. Ngài xúc động và đặt tên con sông nhỏ này là “Cầm Thi Giang”. Cầm Thi được đọc trại thành Cần Thơ.

Một truyền thuyết khác nói là khi xưa vùng Cần Thơ có trồng nhiều rau cần và rau thơm. Mỗi khi chèo ghe đi bán trên sông rạch, chủ ghe thường rao: “Ai mua rau cần thơm không”. Rau cần thơm vì vậy đã vào ca dao, và cần thơm đọc trại thành Cần Thơ:

Rau cần rau thơm xanh mướt
Mua mau kẻo hết, chậm bước không còn
Rau cần lại với rau thơm
Phải chăng đất ấy rau thơm có nhiều

Một giả thuyết khác nói chữ Cần Thơ xuất phát từ chữ Khmer “kìntho” (cá sặc rằn), là một loại cá thời xưa có rất nhiều ở vùng đất này.

Cần Thơ là tên gọi thành phố, đồng thời cũng là tên của một tỉnh. Từ đầu thế kỷ 20, tỉnh Cần Thơ là một trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ. Trước năm 1900, Cần Thơ chỉ là tên gọi của một vùng đất nhỏ thuộc huyện Vĩnh Định, sau đó là huyện Phong Phú của tỉnh An Giang thời Nam Kỳ Lục Tỉnh của triều Nguyễn.

Tỉnh Cần Thơ được thành lập từ ngày 4/12/1867, lúc đầu gọi là hạt thanh tra (Inspection) Cần Thơ, khi ấy toàn Nam kỳ có 25 hạt Thanh tra. Quá trình thành lập hạt Cần Thơ khá phức tạp, vì nơi này xưa kia bao gồm nhiều địa bàn của các địa phương ở xung quanh, đó là vùng đất Phong Phú của phủ Ba Xuyên, một phần huyện Vĩnh A, phủ Tân Thành của tỉnh An Giang, một phần huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, một phần huyện Tuân Ngãi, phủ Lạc Hóa của tỉnh Vĩnh Long.

Năm 1871, Thống đốc Nam kỳ quyết định hạ 25 hạt Thanh tra xuống còn 18 hạt, nên chỉ sau hơn 2 năm thành lập thì hạt Cần Thơ bị giải thể. Tuy nhiên địa bàn này tiếp giáp với nhiều hạt Thanh tra xung quanh, nếu không có chính quyền cái trị thì trở ngại cho việc đảm bảo an ninh, nên đến năm 1872, hai hạt Thanh tra cũ đã bị giải thể là hạt Cần Thơ và hạt Bắc Trang sáp nhập thành hạt Thanh tra Trà Ôn, đặt lỵ sở ở Trà Ôn.

Từ năm 1876, các hạt Thanh tra được đổi tên lại thành hạt Tham biện. Cũng trong năm này, lỵ sở hạt Tham biện Trà Ôn dời từ Trà Ôn về chợ Cần Thơ, nên đổi tên thành hạt Tham biện Cần Thơ.

Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương quy định kể từ ngày 1/1/1900, tất cả các Hạt tham biện trên xứ Nam kỳ đều gọi là Tỉnh (Province), đứng đầu tỉnh là Tham biện chủ tỉnh (Administrateur Chef de la Province), từ đó hạt Tham biện Cần Thơ đổi tên thành tỉnh Cần Thơ. Ban đầu tỉnh lỵ Cần Thơ đặt tại làng Tân An thuộc tổng Định Bảo, quận Châu Thành.

Ngày 18 tháng 12 năm 1928, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thành phố Cần Thơ có Ủy ban thành phố, thị trưởng do chủ tỉnh bổ nhiệm và có ngân sách riêng. Tuy nhiên sau này vẫn thường gọi là thị xã Cần Thơ.

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận