Khóc mà chi, yêu thương qua rồi Than mà chi, có ngăn được xót xa Tiếc mà chi, những phút bên người Thương mà chi, nhắc chi chuyện đã qua.
Anh giờ đây, như là chim Rã rời cánh biết bay phương trời nao Em giờ đây, như cành hoa Trót tả tơi đón đưa ngọn gió nào.
Mình nào ngờ, tình rơi như lá rơi Người tình đầy, vòng tay ôm quá lơi Để giờ này, một người khóc đêm thâu Một người nén cơn đau, nghe mưa mà cúi đầu.
Thế là hết, nước trôi qua cầu Đã chìm sâu những thánh ngày đắm mê Thôi đành quên, những tiếng yêu đầu Những lời yêu ấy nay đã quá xa.
Nẻo đường cũ, giăng đầy mưa Khuất mù lối, khiến lên tình đành lỡ Ta giờ đây, như rừng thu Nắng lịm với, chiếc lá vàng cuối mùa.
Sau khi tốt nghiệp xong phần trung học đệ nhị cấp ở trường Khải Định, Huế, khoảng năm 1952, Hoàng Nguyên tìm về vùng Đà Lạt trăng mờ trú ngụ.
Tại đây Hoàng Nguyên hành nghề dạy học cho trường Trung Học tư thục Tân Dân. Nhạc phẩm “Đường Nào Lên Thiên Thai” ra đời từ đó. Hoàng Nguyên ở thời kỳ này mặc dù còn trẻ tuổi nhưng lại là một thầy giáo rất đạo mạo, có một đời sống nội tâm rất phong phú. Nhạc phẩm “Đường Nào Lên Thiên Thai” trong một thời gian ngắn được khán thính giả vùng Đà Lạt rất ưa chuộng và thích nghe.
Là một nghệ sĩ với tâm hồn chân thật và pha thêm chút phiêu bồng, Hoàng Nguyên được đám đông chú ý, trong đó phải kể đến chính quyền Đà Lạt lúc bấy giờ, mà đứng đầu là Trung Tá Tỉnh Trưởng. Dưới mắt vị này và theo quan niệm của ông ta, nhạc khúc “Đường Nào Lên Thiên Thai” có phần ủy mị, ru ngủ tuổi trẻ và ông cho rằng, người sáng tác ra nhạc phẩm này mơ về một thiên đường không tưởng. Chính lý do đó, vị Trung Tá Tỉnh Trưởng đã đề nghị bắt giam nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Thầy giáo Cao Cự Phúc (Hoàng Nguyên không những là một nhạc sĩ có tài, ông ta vẽ tranh rất đẹp và dạy môn toán học rất giỏi). Thời kỳ đó, nghệ thuật thường được nhìn dưới mắt xiêu vẹo của những người làm chính trị. Hoàng Nguyên bị đầy ra Côn Đảo khoảng năm 1957.
Ở Côn Sơn, thiên tình sử của người nghệ sĩ Hoàng Nguyên mở đầu với cảnh tình éo le và tan tác. Như đã viết ở trên, là một tài hoa đa dạng, người tù Hoàng Nguyên được vị Chỉ Huy Trưởng đảo Côn Sơn mến chuộng, nên đã đưa chàng ta về tư thất dạy Nhạc và Việt Văn cho ái nữ của ông tên H năm đó 19 tuổi. Giữa cảnh núi rừng sông nước vắng vẻ đìu hiu. Hai tâm hôn cô đơn gặp nhau (một đằng là tù, một đằng là ái nữ Chúa Đảo). Mối tình hai người nhóm lên vũ bão. Trăng ngàn sóng biển đá là môi trường cho tình yêu ngang trái này nẩy nở.
Chợt khi người con gái của Chúa Đảo mang thai. Mối tình hai nhịp so le bị phát giác. Để giữ thể thống gia đình. Vị Chúa Đảo giữ kín chuyện này và chỉ bàn thảo riêng tư với người gây ra “tai họa” là nhạc sĩ Hoàng Nguyên: ông ta đòi hỏi Hoàng Nguyên phải hợp thức hóa chuyện lứa đôi của hai người với điều kiện vận động cho người nhạc sĩ được trả tự do. Buổi đó, Hoàng Nguyên phải hứa: “Khi được trả tự do trở về đất liền một thời gian rất ngắn phải trở lại để cưới người con gái này” (có người cho rằng để gỡ danh dự gia đình và tránh tiếng dèm pha của cộng đồng tù ở đảo. Vị Chúa Đảo phải đành “bứng” Hoàng Nguyên di nơi khác theo kiểu trên).
Khoảng năm 1958, Hoàng Nguyên được trả tự do về đất liền (Saigon), vừa thất chí vừa thất tình. Đây là mối tình lớn của người nghệ sĩ. Nhưng cánh chim bằng yêu chuộng tự do và nghệ thuật, Hoàng Nguyên không dám trở lại hải đảo để làm rể ở một nơi rất thiếu tình người, quanh năm suốt tháng khô cằn với sinh hoạt hẹp hòi của những người tù áo xanh. Và có lẽ cuộc sống ở Sài gon, Thủ Đô đèn mầu, rộn rịp giọng ca tiếng đàn đã khiến Hoàng Nguyên thất thứa với người thiếu phụ có con với mình. Chàng đành làm cánh chim bay không bao giờ trở lại.
Người ta kề rằng, sau thời gian Hoàng Nguyên được trả về đất liền, thì người con gái của Chúa Đảo Côn Sơn, bây giờ đã là thiếu phụ một con cũng được gia đình đưa về sinh sống nơi đất Thần Kinh. Hoàng Nguyên đã bắt liên lạc trở lại, nhưng sau đó không thể hàn gắn được mói tình trái ngang dang dở trên, nên Hoàng Nguyên trở lại Saigon và nhận con gái ông PNT làm vợ. Còn người thiếu phụ con của Chúa Đảo thì lại tạo lập cuộc đời mới với một người đàn ông khác, nên Hoàng Nguyên sáng tác ca khúc Cho Người Tình Lỡ để tiếc nhớ về mối tình này.
Theo Lâm Tường Dũ (Tình Sử Nhạc Khúc)