Qua bến nước xưa lá hoa về chiều Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa Khi đến cuối thôn chân bước không hồn Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm Má em mầu ngà tóc thề nhẹ vương
Nay anh về qua sân nắng Chạnh nhớ câu thề tim tái tê Chẳng biết bây giờ Người em gái duyên ghé về đâu
Nay anh về nương dâu úa Giọng hát câu hò thôi hết đưa Hình bóng yêu kiều Kề hoa tím biết đâu mà tìm
Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà Gợn buồn nhìn anh em nói : “Mến anh!” Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi …..
Nắng chiều là tên một ca khúc của nhạc sỹ Lê Trọng Nguyễn, được sáng tác năm 1952. Bài hát là nguồn cảm hứng cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Lê Mộng Hoàng năm 1973 do nam diễn viên Hùng Cường thủ vai chính và trình diễn ca khúc này. Nắng chiều không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn nổi tiếng ở Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông. Tại các nước nói tiếng Hoa, bài hát được biết đến với tên 越南情歌 (Việt Nam tình ca) hay 南海情歌 (Nam hải tình ca) do Thận Chi (慎芝) đặt lời.
Năm 1994, đạo diễn Pháp Trần Anh Hùng làm phim Xích lô có đưa bài hát này vào làm nền cho một đoạn tình tiết không lời thoại, bài hát được hát bằng giọng Quảng Nam do hai người lính cụt chân thể hiện trong quán ăn.
Nắng chiều được viết năm 1952, sau khi tác giả về quê hương để tránh chiến tranh. Có tài liệu cho rằng “Nắng chiều” ra đời trong một lần hứng tác của Lê Trọng Nguyễn trên cầu Vĩnh Điện khi chiều xuống ở bến sông Thu Bồn.
Trong một cuộc phỏng vấn, Lê Trọng Nguyễn đã nói: “Tôi viết bản đó ở Huế, thời gian sau khi bỏ vùng kháng chiến về thành… Tâm sự tôi trong bài Nắng chiều nó như thế này, kể anh nghe cho vui. Sau cuộc đảo chính của Nhật vào đêm 9 tháng 5 năm 45, có một gia đình công chức Nam triều từ Quy Nhơn chạy ra tạm trú ở Hội An, mà tôi cũng ở Hội An lúc đó. Gia đình đó có một người con gái. Tôi yêu người con gái ấy!”
Tác giả Lê Trọng Nguyễn Thị Nga có một bài viết về “Nắng chiều”, quãng đường sau khi nó ra đời:
… Năm 1954, Lê Trọng Nguyễn ra Huế và Ðà Nẵng làm việc cho cơ sở thương mại ngoài đó. Cũng chính nơi đây, có dịp quen và làm bạn cho đến chót cuộc đời nghệ sỹ sáng tác của anh, với những Minh Trang, Dương Thiệu Tước, Kim Tước, Nguyễn Hiền v.v.. Và ca khúc Nắng Chiều được xuất bản trong lúc này. Người thâu tiếng hát đầu tiên bản Nắng Chiều vào dĩa nhựa là ca sỹ Minh Trang.
Khoảng giữa năm 1955, người em gái duy nhất của anh Lê Trọng Nguyễn là Lê Thị Ba qua đời, anh quá đau buồn và đem bản Nắng Chiều ra ký giao kèo tái bản để có một món tiền tác quyền khiêm nhường đưa về quê cùng mẹ lo liệu cho em gái và chuẩn bị nuôi cháu.
Năm 1957, nhạc sĩLê Trọng Nguyễn vào Sài Gòn. Ðúng dịp đoàn ca nhạc Nhật Bản sang thăm, ban nhạc Toho Geino có nhờ người chọn ra 12 bản nhạc Việt Nam đang nổi tiếng thời đó để chuẩn bị tập dượt và trình diễn tại Sài Gòn lẫn Nhật Bản, trong đó có bản “Nắng Chiều” và bản này đã được cô ca sỹ nhật Midori Satsuki hát. Năm 1960 Ki Lo Ha, một ca sỹ người Hoa, cô yêu mến bản Nắng Chiều nên viết sang lời Hoa ngữ và phổ biến bản này sang Ðài Loan và Hồng Kông. Nhờ mấy may mắn đó mà Nắng Chiều cứ thế được biết tới tại ngoại quốc.
Nhật Hà.