Khác với cuộc sống nơi đô thị độc lập, đề cao sự riêng tư, ở miền quê thì ngược lại, nơi đó gắn liền với hình ảnh bình dị, mộc mạc, nơi có con sông, cánh đồng, con đò, bến nước… với những con người sống với nhau bằng tình làng nghĩa xóm chân thành, chất phác như chính người thân trong gia đình. Những đứa trẻ được lớn lên bằng tình yêu thương của bố mẹ, và những mối tình đâm chồi giữa những con người cùng chung cội nguồn mang theo bao cảm xúc thân thương, ấm áp mà khi trót thương nhau là nhớ nhau hoài không quên. Nơi đó cũng là nguồn cảm hứng dạt dào vô tận cho nhiều thi nhạc sĩ. Và nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ người có nhiều bản tình ca thôn dã đẹp đẽ về nông thôn Việt Nam, mà từ nhan đề bài hát đã toát lên tình cảm nồng hậu của chính tác giả như ca khúc: Rước Tình Về Với quê Hương, Mấy Nhịp Cầu Tre, Gạo Trắng Trăng Thanh…hay Duyên Quê thấm đẫm niềm yêu thương lưu luyến nơi làng quê xinh đẹp, thanh bình.
Click vào hình để nghe Thanh Thúy hát Duyên Quê
Ca khúc “Duyên Quê” được sáng tác trong giai đoạn (1955-1956), bài hát khởi đầu cho dòng tân nhạc Việt Nam, đã tạo nên một phong trào hưởng ứng rầm rộ, được đông đảo khán giả hâm mộ sau giai đoạn tiền chiến, mở đầu cho một thời gian 20 năm tân nhạctình ca Việt rực rỡ không ngờ.
Em gái vườn quê cuộc đời trong trắng. Dầm mưa dãi nắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm. Anh biết mặt em một chiều bên thềm giọng hò êm đềm và đôi mắt em lóng ʟánh sau rèm.
Em gái nơi miền quê với cuộc sống thanh bình, êm ấm. Quanh năm chỉ biết có ruộng đồng bát ngát với cánh cò bay lả nơi quê nhà, nhưng đâu đó trong tâm hồn em vẫn có những rung động thơ ngây trong sáng về tình yêu của tuổi mới lớn “Dầm mưa dãi nắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm”. Và anh người lính chiến nơi sa trường, trong một lần về thăm nhà anh đã phải lòng người em gái với giọng hò ngọt ngào, cùng đôi mắt thanh thuần sáng rực như vì sao đêm.
Click vào hình để nghe Khả Tú Và Hải Phong hát Duyên Quê
Ai hát ngoài ao chừng ngồi giặt áo giọng hò êm quá mà anh ngỡ ai rót mật vào lòng. Anh cuốc vườn sau mặt trời trên đầu. Ruộng vườn lên màu vì em ước mong đây đó chung lòng.
Em ngồi giặt áo bên sông, với giọng hò điệu hát cất vang làm xao xuyến biết bao trái tim thổn thức, từng câu hát của em như hủ mật rót thẳng vào trái tim chàng lính trẻ “giọng hò êm quá mà anh ngỡ ai rót mật vào lòng”. Anh vừa cày cuốc sau vườn, vừa nghe lời hát, vừa ngắm trộm người thiếu nữ xinh xắn, làm tâm hồn anh lân lân bay xa với những mơ ước về tương lai sau này của hai người. Một ngày nào đó khi chúng ta nên duyên cầm sắt, anh cuốc vườn, em giặt áo bên sông dưới mái tranh quê nho nhỏ. Một hình ảnh vừa đẹp vừa nên thơ, như thổi một làn gió mát vào tâm hồn người nghe.
Click vào hình để nghe Hương Lan hát Duyên Quê
Gió xao ao bèo em thương anh không kể là giàu nghèo miễn rằng tình đặng sơn keo. Núi cao em cũng trèo sông sâu em cũng lội vạn đèo em cũng qua.
Gió lay cành đa anh thương anh thương em thật thà. Mưa lay hoa cà. Da em quá mặn mà và thương bao giọt mồ hôi đẹp má mặn môi.
Mối tình nơi miền quê thật trong sáng, nó chứa đựng tất cả sự chân thành, của một tình yêu không màn vật chất, sang giàu, chỉ cần hai người thương nhau, một tuýp lều tranh hai quả tim vàng thế là đủ. Mối tình ấy sẽ còn bền chặt gắn bó hơn khi hai người cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách của thời cuộc “Núi cao em cũng trèo sông sâu em cũng lội, vạn đèo em cũng qua”. Tình yêu của người con gái phải cao thượng, sâu đậm như thế nào mới có thể ước thề một cách khắc nghiệt như thế. Và đáp lại tấm chân tình đó, anh lính đã bày tỏ tấm chân tình của mình cho nàng. Vì anh thương người em gái quê với tấm lòng chân thật, không vì nhan sắc bên ngoài mà vì tấm lòng trong sáng, nét đẹp chăm chỉ hiền ngoan “Da em quá mặn mà và thương bao giọt mồ hôi, đẹp má mặn môi.” Một nét đẹp mà không người con gái thành thị nào có thể sánh được.
Click vào hình để nghe Sơn Tuyền hát Duyên Quê
Dăm miếng trầu cay một buồng cau trắng một buồng cau trắng mà ᴅuyên đôi ta nên vợ thành c нồng. Một túp lều tranh một vừng trăng tròn một vừng trăng tròn mà tha thiết yêu cho hết tơ lòng.
Đám cưới nơi làng quê nghèo không cần cao sang cầu kì, chỉ với vài miếng trầu, một buồng cau, một túp lều tranh, cùng ánh trăng tròn với những vì sao đã minh chứng cho tình yêu đôi lứa, nên duyên vợ chồng hạnh phúc trọn đời. Chỉ đơn giản như thế thôi, nhưng nó chính là ước mơ của biết bao đôi lứa thời loạn. Khi nàng nơi hậu phương còn anh nơi tiền chiến gian khổ nguy hiểm, không biết ngày nào gặp lại, không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh chia ly. Một hình ảnh khắc họa đầy đủ nụ cười lẫn nước mắt của những mối tình thời chinh chiến.
Click vào hình để nghe Quang Lê Và Ngọc Hạ hát Duyên Quê
Cho đến ngày mai dù mưa hay nắng, lòng ta vẫn thắng mà đôi chúng ta xây dựng đời này. Ta có bàn tay một tình yêu này một đời sum vầy thì đâu khó chi lấp biển vá trời.
Với viễn cảnh ước mơ tương lai mà hai người tạo ra, cùng chung ước nguyện, giúp hai người cùng nhau vững tin, yên lòng hơn khi xa nhau “Cho đến ngày mai dù mưa hay nắng,lòng ta vẫn thắng, mà đôi chúng ta xây dựng đời này”. Niềm tin mạnh liệt về một tương lai tươi sáng, không gì có thể ngăn được tình yêu của hai người. Hạnh phúc sẽ đến với họ dù chông gai, vất vả, dù mưa hay nắng, dù hòa bình hay chiến tranh, thì hai người vẫn giữ vững con tim yêu, sự tin tưởng dành cho nhau. Với đôi tay nắm chặt nhau, tâm liền tâm, tim liền tim, thì dù cho núi cao biển sâu cũng không là gì đối với họ. Hai người sẽ một đời yên vui hạnh phúc. Đó là niềm tin mà chúng ta nên học tập và noi theo.
Click vào hình để nghe Minh Cảnh Và Lệ Thủy hát Vọng Cổ Duyên Quê Duyên quê (Tân nhạc nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, vọng cổ Loan Thảo).
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác rất nhiều thể loại, kể cả những thể loại mang tính nghệ thuật cao như Trường ca, Nhạc cảnh, Nhạc kịch, Nhạc múa và Nhạc phim… nhưng sống mãi với thời gian, tồn tại lâu bền trong lòng công chúng Việt Nam vẫn là thể loại dòng nhạc quê hương và “Duyên Quê” là một trong những ca khúc thuộc tuyển tập tình yêu quê hương . Bài hát với giai điệu nhẹ nhàng, dễ hiểu, đã vẽ nên một bức tranh mộc mạc bình dị với mối tình ngọt ngào chất phác, bên cạnh phong cảnh hữu tình gần gũi với làng quê Việt Nam. Bức tranh ấy còn cho ta thấy rõ tình cảm nơi thôn quê, họ lúc nào cũng cởi mở, dễ chịu, chẳng toan tính với đời, nên nếu bạn đã một lần ghé qua sẽ đời đời nhớ mãi những vẻ đẹp bình dị ấy. Tác giả cũng gởi gấm tâm tư nguyện vọng của mình thông qua hình ảnh thanh bình với những con người chân chất. Sau khi chiến tranh kết thúc quê hương trở lại vẻ đẹp vốn có , con cháu chúng ta về sau sẽ sống trong viên mãn hạnh phúc, không cần phải chịu cảnh chia lìa đôi lứa vì khói lửa chiến chinh.
Biên Soạn: Hồng Đào