Kiếp Cầm Ca Nỗi Niềm Của Nghề Ca Kỹ

0
0
“Kiếp Cầm Ca” là một ca khúc được viết theo điệu tango, do nhạc sĩ Huỳnh Anh sáng tác để nói về nỗi niềm của nghề ca kỹ. Người ta thường gắn nhầm tên “Kiếp Cầm Ca” cho bài hát “Tình đời” của nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng vì “Tình đời” có chứa cụm từ “kiếp cầm ca” khá nhiều. Bên cạnh đó, người ca kỹ mà nhạc sĩ Huỳnh Anh viết trong “Kiếp cầm ca” là nghệ sĩ cải lương chứ không phải là ca sĩ như nhiều người suy tưởng. Chính ông giải thích rằng ông đã viết “Kiếp Cầm Ca” cho nghệ sĩ cải lương Thanh Nga, hơn nữa, chi tiết “cánh nhung khép im lìm” để chỉ về sân khấu cải lương chứ không phải phòng trà ca nhạc.

Click vào hình để nghe nghệ sĩ Thanh Nga hát Kiếp Cầm Ca

Những năm 1961, khi đoàn cải lương Thanh MinhThanh Nga dựng vở cải lương Mưa Rừng của hai soạn giả Hà TriềuHoa Phượng, và nhạc sĩ Huỳnh Anh được mời viết ca khúc chủ đề cho vở diễn này. Bản này được Huỳnh Anh viết đặc biệt cho Thanh Nga, để giảm thiểu những sở đoản của một nghệ sĩ cải lương khi hát tân nhạc ông đã dành nhiều thời giờ để tập hát cho Thanh Nga. Thời gian sau đó khoảng năm 1970, Huỳnh Anh gặp lại Thanh Nga khi cô đóng vai chính trong phim Loan Mắt Nhung (đạo diễn Lê Dân), ông cũng là người viết nhạc cho phim. Huỳnh Anh một lần nữa được cộng tác làm việc cùng nghệ sĩ Thanh Nga người nghệ sĩ được mệnh danh là nữ hoàng sân khấu cải lương miền Nam. Cũng trong dịp này một lần nữa nhạc sĩ Huỳnh Anh viết tặng riêng “Kiếp Cầm Ca” cho Thanh Nga. 

Mưa rơi cho đời thêm nhớ thương hạt mưa ướt vai người tha hương mưa đêm ngõ thưa vắng tiêu điều xóm nghèo quạnh hiu màn đêm tịch liêu

Đêm đêm đem lời ca tiếng thơ lời ca hát cho người mua vui nhưng khi cánh nhung khép im lìm ánh đèn lặng tắt gởi ai nỗi niềm

Đoạn mưa rơi cho đời thêm nhớ nhung gợi nhớ một đoạn mưa rừng của năm nào, có lẽ Kiếp Cầm Ca không chỉ nói lên tâm tư của người nghệ sĩ cải lương mà còn nói lên tâm tình của nhạc sĩ Huỳnh anh. Những hạt mưa rơi làm ước vai người nghệ sĩ tha hương, trong ngõ vắng quạnh hiu và màn đêm tịch liêu… trước cảnh vật tiêu điều ấy người nghệ sĩ lại có dịp trút hết những nỗi niềm riêng mang theo màn mưa. Người đời mấy ai hiểu, khi bức màn nhung buông xuống, danh vọng cũng buông theo, thính giả ra về lòng rũ sạch sầu thương, người nghệ sĩ lui vào cởi áo gấm, lau son phấn, trả cho đời cả vinh hoa lẫn đoạn trường. Nghiệp cầm ca cứ lập lại, đêm đêm họ đem lời ca tiếng hát cho đời mua vui, tất cả ánh hào quang rực rỡ ấy cũng vụt tắt theo ánh đèn. Người đời buồn tìm họ để mua vui và những nỗi niềm của người nghệ sĩ chỉ biết lặng lẽ gửi vào màn đêm. 

Click vào hình để nghe Thanh Thúy hát Kiếp Cầm Ca

Người đến bên mình khi vui trăm ngàn lưu luyến nhưng hoa xưa đã tàn úa đâu còn đời ta là bến ai qua ghé thăm đôi lần nhớ chăng tiếng ca cung đàn ngày xưa

Hơn ai hết, nhạc sĩ Huỳnh Anh hiểu cho kiếp cầm ca, bởi lẽ ông là người viết nên lời ca yêu người cầm ca. Nghiệp cầm ca cũng chỉ có bấy nhiêu thôi, tôi bán đường tơ còn em bán tiếng ca sầu… đời chúng ta là bến để người đời lướt qua ghé thăm đôi lần, một lần nhớ đến cung đàn và tiếng ca xưa cũng đủ làm ấm lòng người ca nhạc sĩ. Đời nghệ sĩ là thế, nửa quãng hoa niên là tiền tài danh vọng, nửa quãng đường chiều là chiếc bóng trơ vơ. Danh vọng phù hoa như bọt nước xuôi dòng, nếu thấu hiểu và chấp nhận nó một cách nhẹ nhàng thì an yên, nhưng nếu mãi chấp niệm sẽ thấy khổ đau và bạc bẽo.

Đêm nay bên thềm một bóng ai dừng chân bước giang hồ phiêu linh mưa đêm vẫn rơi mãi không ngừng có người ca sĩ khóc đời quạnh hiu…

Khi ánh đèn sân khấu tắt, bức màn nhung buông xuống, hết chúa hết tôi hết công hầu khanh tướng, chỉ còn lại một chiếc bóng của một kiếp người ưu buồn. Rồi mai này khi má hóp, răng long, dừng bước giang hồ phiêu linh, đôi tay run rẩy với chiếc đàn long phím, ngồi bên hiên vắng lạnh lùng, tiếng đêm mưa vẫn rơi mãi không ngừng, có người nghệ sĩ khóc đời quạnh hiu… khúc nhạc cuối cùng mình dạo để mình nghe./.

Biên Soạn: Hà Anh

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận