Ngày nay, nếu nhắc đến tên Biên Hòa, người ta sẽ nghĩ đến một địa phương cách Sài Gòn 30km về phía Đông Bắc, giáp với Dĩ An của Bình Dương. Trước 1975, một phần của Dĩ An và Tân Uyên ngày nay cũng thuộc về thị xã Biên Hòa của tỉnh Biên Hòa.
Lùi về quá khứ xa hơn nữa, trước khi thực dân Pháp đô hộ Việt Nam thì Biên Hòa là trung tâm của toàn bộ miền Nam với tên gọi Trấn Biên. Đến đầu thế kỷ 19, Trấn Biên đổi tên là Trấn Biên Hòa, đến năm 1832 thành tỉnh Biên Hòa, bao gồm cả vùng rộng lớn Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa ngày nay. Tính đến triều vua Tự Đức, tỉnh Biên Hòa có diện tích rộng lớn, là 1 trong 6 tỉnh của Nam kỳ, lúc đó Biên Hòa có 2 phủ là Phước Long và Phước Tuy. Phủ Phước Long có 4 huyện là Phước Chánh, Bình An, Ngãi An, Phước Bình. Phủ Phước Tuy có 3 huyện là Phước An, Long Thành và Long Khánh.
Sau năm 1862, Pháp chiếm được toàn tỉnh Biên Hòa, tạm thời dùng chế độ quân quản, Biên Hòa được gọi là “tiểu khu quân sự”.
Nghị định ngày 27/10/1864 của Soái phủ Sài Gòn chia địa bàn tỉnh Biên Hòa thành 3 đơn bị riêng biệt gọi là Hạt thanh tra. Địa bàn phủ Phước Long cũ thành Hạt thanh tra Biên Hòa, trụ sở đặt ở Biên Hòa. Địa bàn phủ Phước Tuy thành Hạt thanh tra Bà Rịa, địa bàn huyện Long Thành là Hạt thanh tra Long Thành.
Lúc này Hạt thanh tra Biên Hòa vẫn bao gồm khu vực Thủ Đức, Bình Dương, Bình Phước ngày nay.
Quyết định ngày 14/3/1866 tách địa bàn huyện Bình An và Ngãi An ra khỏi hạt Biên Hòa để thành lập Hạt thanh tra Bình An. 2 năm sau đó hạt Bình An đổi tên thành hạt Thủ Dầu Một (là khu vực 2 tỉnh Bình DươngBình Phước hiện nay), đồng thời tách Ngãi An ra thành Hạt thanh tra riêng (là địa bàn Thủ Đức hiện nay).
Năm 1871, Hạt thanh tra Long Thành giải thể và nhập trở lại vào Biên Hòa.
Nghị định ngày 5/1/1876 của Thống soái Nam kỳ, chia địa bàn Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính, các Hạt thanh tra đổi thành Hạt tham biện, từ đó Hạt thanh tra Biên Hòa đổi thành Hạt tham biện Biên Hòa, thuộc khu vực hành chính thứ 1.
Nghị định ngày 12/8/1888, quyết định giải thể hạt Thủ Dầu Một, hạ cấp xuống thành Đại lý hành chính, nhập địa bàn vào Hạt tham biện Biên Hòa. Đến năm 1892, Thủ Dầu Một lại trở thành hạt riêng như trước.
Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên gọi các hạt tham biện trên quản hạt Nam kỳ thành Tỉnh (Province) kể từ ngày đầu tiên của thế kỷ 20 (1/1/1900), từ đó hạt tham biện Biên Hòa đổi thành tỉnh Biên Hòa, tồn tại suốt thời kỳ Pháp thuộc.
Một số hình ảnh Biên Hòa thời kỳ Pháp thuộc:
Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp xây dựng ở Biên Hòa 2 cây cầu lớn, đó là cầu Gành (nay gọi là cầu Ghềnh) và cầu Rạch Cát. Ngày nay 2 cây cầu này cùng nằm trên Hương Lộ 11, nối Cù Lao Phố với đất liền.
Cầu Rạch Cát (hay còn gọi là cầu Đồng Nai Nhỏ) bắc qua nhánh sông Đồng Nai chảy qua cù lao Phố, phục vụ cho tuyến đường sắt thời đó.
Cầu Gành trước 1975:
Ở Biên Hòa ngày nay vẫn còn dấu tích của ngôi thành cổ, ban đầu được xây từ thời nhà Nguyễn. Tháng 12-1861, cổ thành Biên Hòa rơi vào tay Pháp, quân đội Pháp xây dựng lại thành, thu gọn lại còn 1/8 so với trước và gọi là thành “Xăng đá” (Soldat), nghĩa là thành lính. Buổi sáng lính thường sử dụng kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng, nên dân địa phương gọi là “Thành Kèn”.
Một số hình ảnh Biên Hòa thập niên 1920:
Một số hình ảnh Biên Hòa trong loạt ảnh chụp năm 1930:
Hình ảnh hồ Trị An năm 1930:
Ở Biên Hòa, cũng như các tỉnh miền Đông Nam Bộ khác, ít bị ảnh hưởng bởi lũ lụt như ở miền Trung. Tuy nhiên vào năm Thìn 1952, một cơn lụt lịch sử đã nhấn chìm Biên Hòa. Sau đây là một số hình ảnh trận lụt đó:
Năm 1956, thời kỳ VNCH, tỉnh Biên Hòa tách thành 2 tỉnh mang tên Biên Hòa, Long Khánh, đồng thời một phần địa giới Biên Hòa cũng được cắt ra, nhập với một phần của tỉnh Thủ Dầu Một để thành tỉnh Phước Long.
Phần còn lại, tỉnh Thủ Dầu Một được tách thành 2 tỉnh khác mang tên tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Long (Tỉnh Bình Long và Phước Long hiện nay trở thành tỉnh Bình Phước).
Như vậy, thời điểm năm 1956, tỉnh Biên Hòa và tỉnh Thủ Dầu Một cùng tách thành 3 tỉnh, tỉnh Biên Hòa trở thành Biên HòaLong KhánhPhước Long, còn tỉnh Thủ Dầu Một thành Bình DươngBình LongPhước Long.
Một tỉnh khác cũng thuộc tỉnh Biên Hòa cũ là tỉnh Bà Rịa đổi tên thành tỉnh Phước Tuy.
Sau năm 1975, ba tỉnh Biên Hòa, Long Khánh và Phước Tuy sáp nhập lại để thành tỉnh mang tên là Đồng Nai, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Biên Hòa. Đến năm 1991, địa bàn tỉnh Phước Tuy cũ tách thành tỉnh khác mang tên tỉnh Bà RịaVũng Tàu. Trước đó, Vũng Tàu và Côn Đảo được gọi là “đặc khu”.
Biên Hòa trước 1975 bao gồm có những địa điểm nổi tiếng là núi Châu Thới, suối Lồ Ồ, nghĩa trang quân đội (nay thuộc Dĩ An), có xa lộ Sài GònBiên Hòa, bến xe lam Tam Hiệp… Biên Hòa là cửa ngõ vào Sài Gòn của tất cả các tỉnh miền Trung và phía Bắc.
Trong loạt bài đăng lại những hình ảnh xưa ở các đô thị lớn ngày xưa, xin giới thiệu các hình ảnh Biên Hòa trong thời gian thập niên 1960-1970 sau đây:
Đông Kha
Nguồn ảnh: manhhai flickr