Ngày nay, hệ thống thoát nước nhiều khu vực ở Sài Gòn có vấn đề là cứ một trận mưa dù to hay nhỏ là đều xảy ra ngập úng. Thật ra thời hơn 50 năm trước, Sài Gòn cũng từng bị ngập một số tuyến đường khi gặp mưa lớn, nhưng ngập chỉ tới khoảng gần nửa bánh xe, và theo người xưa kể lại thì khi cơn mưa vừa dứt thì nước cũng vừa kịp rút hết.
Sau đây là những hình ảnh đường phố Sài Gòn ngập trước 1975:
Đường Lê Lợi chỉ thỉnh thoảng những cơn mưa thật lớn mới bị ngập, do nước ở những nơi cao đổ dồn xuống, nhưng chỉ dứt mưa là nước rút, không ngập lưu cửu như bây giờ.
Ở một vài khu vực bên Chợ Lớn, khi trời mưa dai cũng ngập nhưng chỉ vài phút sau nước rút hết bởi, vì ngày xưa còn có kênh 6 xã và vùng Bình Chánh, Nhà Bè kênh rạch chằng chịt, là hệ thống thoát nước tự nhiên của Sài Gòn xưa. Ngày nay khu Quận 7, Nhà Bè có nhiều khu đô thị mọc lên làm chặn đường nước rút, nên thường gây ngập cục bộ.
Ngập nước ở Sài Gòn xưa chủ yếu do mưa kết hợp triều cường nhưng ngập không gây ảnh hưởng nghiêm trọng như hiện nay. Nguyên do là ngày xưa Sài Gòn dân số thấp hơn ngày nay rất nhiều, đất đai còn nhiều nên việc thoát nước cũng tốt hơn.
Sau đây là những hình ảnh và video hiếm hoi quay cảnh đường phố Sài Gòn bị ngập vào ngày 21/9/1950:
Saigon ngày nay cũng có nhiều dự án, giải pháp để chống ngập, kẹt xe nhưng do tốc độ phát triển nhanh, dân số cao nên vẫn chưa giải quyết triệt để.
Hệ thống thoát nước ngày nay ở Sài Gòn, vẫn còn rất nhiều công trình đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
Trung tá công binh Coffyn, người lập một dự án quy hoạch nổi tiếng: Dự án “Thành phố Sài Gòn 500.000 dân” vào năm 1862, đã ghi lại như sau:
“Việc cho thoát nước mưa và nước thải trong các thành phố thường gây ra nhiều khó khăn, ở đây, những khó khăn đó lớn hơn bất cứ nơi nào khác, vì mặt đất Sài Gòn không cao hơn mực nước sông rạch bao nhiêu, nên không cho phép đặt những ống cống thông thường”.
Hệ thống thoát nước đầu tiên ở Sài Gòn là một vài đường ống cống chính đổ ra kinh Charner (nay là đường Nguyễn Huệ).
Đường ống này thỉnh thoảng lại bị nghẹt, gây ô nhiễm và hôi thối cho khu vực xung quanh. Hội đồng thành phố đã nhiều lần lên tiếng phản đối và yêu cầu giải quyết vấn đề này, việc lấp kinh Charner đã được tính tới từ lúc đó.
Đầu năm 1871, một lá đơn khiếu nại của cư dân trên đường Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn) và vài đường khác xung quanh đại lộ Bonard (nay là đường Lê Lợi) đã lê tiếng báo động rằng việc lấp một đoạn phía trên của kinh Charner mà không tính tới chuyện thoát nước đã làm cho nhiều đoạn đường bị ngập vào mùa mưa, gây ra những vũng nước tù đọng, bốc ra chướng khí gây ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Ngày 19/8/1871, phiên họp của Hội đồng thành phố đưa ra quyết định hối thúc giám đốc Sở Cầu đường phải nhanh chóng cung cấp sơ đồ cao trình của thành phố để khởi công xây dựng hệ thống các đường ống cống. Đến kỳ họp ngày 10/1/1872, Hội đồng thành phố lại đặt ra yêu cầu phải làm thế nào để tránh tình trạng nghẹt cống và ngập nước khi có mưa lớn vào đúng lúc nước thủy triều lên cao, cống không kịp thoát nước.
Hệ thống đường ống cống đầu tiên của Sài Gòn bắt đầu được xây dựng dần dần kể từ đó, tức là vào năm 1872, hơn 150 năm trước.
Đến đầu năm 1905, Hội đồng thành phố Sài Gòn lại quyết định phải vay thêm để có kinh phí hoàn tất hệ thống cống ngầm cho toàn thành phố.
Năm 1908, chính quyền mở một cuộc đấu thầu xây dựng hệ thống thoát nước cho Sài Gòn. Năm năm sau, tức năm 1913, Sở Công chánh Đông Dương lập một báo cáo chi tiết kết quả: “Một phần diện tích của thành phố đã được trang bị hệ thống ống cống tiếp nhận nước thải từ các hộ gia đình đổ ra đường hoặc đổ vào các ống nhánh, cũng như nước mưa…”.
Cùng với làm cống, việc mở mang công viên, trồng cây xanh bên đường cũng được chú trọng. Năm 1943, kế hoạch chỉnh trang Sài GònChợ Lớn với dân số dự kiến tăng trên 1 triệu dân, chính quyền đề xuất đào hồ ở phía tây của con đường Đinh Tiên Hoàng hiện nay để chứa nước mưa, điều tiết ngập. Tuy nhiên, chiến tranh Đông Dương đã khiến kế hoạch chỉ nằm trên giấy.
Sau năm 1954, các kỹ sư, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Lê Văn Lắm, Trần Lê Quang… khảo sát địa mạo và hệ thống sông rạch Sài Gòn. Họ đề nghị thành phố sẽ phát triển theo hướng tây bắcđông bắc (Củ ChiBiên Hòa, Bình Dương). Các vùng thấp như quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh được bảo tồn tự nhiên, giảm thiểu xây dựng để tiêu thoát nước cho thành phố… Từ năm 1965, chiến sự khốc liệt, cư dân tứ xứ đổ về đô thành trú an, họ làm nhà tự phát trên hai bờ kênh, quá nhiều nhà sàn làm ảnh hưởng đến dòng chảy như khu vực kênh Nhiêu Lộc, Tham Lương, Tàu Hủ…
Tháng 6-1968, câu chuyện về các hướng thoát nước chính ra kênh Tham Lương, rạch Nhiêu Lộc được bàn bạc. Thời điểm đó, chỉ có hướng thoát nước phía bắc ra kênh Tham Lương dòng chảy tốt. Hướng phía đông và nam xuất hiện tình trạng ngập úng. Nguyên nhân do nhà cửa chèn lên cống mương làm kẹt lối thoát nước. Việc giải tỏa nhà cất trên rạch Nhiêu Lộc thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6-1967. Sau đó, tiếp tục xử lý các nền nhà trên cống thoát nước, nhổ các cọc tre, gỗ, bêtông trong lòng rạch, giải tỏa nhà lấn chiếm cầu.