Những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 là thời gian mà Hà Nội có sự thay đổi mạnh mẽ nhất về diện mạo. Bên cạnh một phố cổ ở phía Bắc hồ Gươm đã có lịch sử lâu đời hàng ngàn năm, người Pháp đầu tư xây dựng hạ tầng ở phía Nam hồ với trung tâm là phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền) với nhiều công trình, dinh thự nguy nga, và có nhiều tòa nhà vẫn còn lại cho tới nay. Sở dĩ như vậy là bởi vì Hà Nội được chọn làm thủ đô của Liên bang Đông Dương năm 1902, sau khi thể chế này được thành lập vào năm 1887.
Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Bảo hộ Bắc kỳ ngày 2/5/1886 nêu nội dung: Hà Nội sẽ càng ngày càng trở thành một thành phố châu Âu, phải mau chóng xây dựng cho nó các công trình giao thông, nhà cửa, chợ búa, lò mổ. Để chỉ huy các công việc này, cần phải có một chính quyền chăm sóc đặc biệt cho Hà Nội. Chính quyền này chỉ có thể là một Ủy ban thành phố”. Ngay sau đó thành phố Hà Nội được thành lập, bộ máy chính quyền nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho Hà Nội.
Bộ ảnh này được chụp vào những năm đầu thập niên 1910, chủ yếu chụp những công trình được xây dựng trong thời kỳ này.
Một số cột mốc thời gian của Hà Nội thời Pháp thuộc thời kỳ này:
- 1882: Pháp chiếm thành Hà Nội
- 1887: Liên bang Đông Dương được chính thức thành lập theo Sắc lệnh của Tổng thống Cộng hoà Pháp với ba thuộc địa là Nam Kỳ (Cochinchine), Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam) (sau đó có thêm Cao Miên, Ai Lao, Quảng Châu Loan), thủ đô đặt tại Sài Gòn.
- 1888: Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội (tách biệt với tỉnh Hà Nội đã được thành lập từ thời Minh Mạng). Từ lúc này Hà Nội được đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng.
- 1902: Thủ đô Liên bang Đông Dương được chuyển ra Hà Nội.