Thời áo trắng qua lâu..thoáng chóc bao nhiêu năm xa mái trường.. Ngày xưa, Hoa Phượng Những con đường buổi trưa nắng chói, Áo trắng, Đi về…
Phượng của Tôi:
Năm chín mấy, đã lâu lắm rồi cái thời tôi 4, 5 tuổi. ngày đó Mẹ còn trẻ, tôi hay nghe Mẹ hát “Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng, biết ai còn nhớ đến ân tình không..” bài hát đó có tên của Mẹ. Mẹ hay nhắc cái thời đi học, nhắc những người bạn tên Mỹ Dung, Ngọc Lan mà mười mấy năm Mẹ không gặp lại. Đã có những mùa hạ loanh quanh lặn lội trong kí ức của Mẹ tôi thời áo trắng. Nên ngày xưa, mỗi lần tôi muốn Mẹ hát, hát xong mắt Mẹ buồn mà tôi chẳng hiểu. cuộc đời vẫn tiếp tục trôi đi, những ân tình kỷ niệm ngày xưa cũng trôi theo, dường như Mẹ quên. Tôi không còn nghe Mẹ nhắc những kỷ niệm hay hát lại bài đó nữa.“biết ai còn nhớ đến ân tình không?..” Hoa bướm ngày xưa khép lại, rồi cũng quên lời, lỡ nhịp. nhưng với tôi những thanh âm nhẹ nhàng da diết mang điệu buồn khiến cho cảm xúc cứ mãi chòng chành ám ảnh tôi cho đến sau này…
“Hạ phương này Cũng nắng đùa ngọn cỏ Cũng ve sầu trước ngõ Nhưng tìm đâu dáng nhỏ Bởi hạ này Một nửa bỏ theo em..” L.A.Đ
“Nỗi buồn hoa Phượng” bắt đầu từ những kí ức của Mẹ tôi. Rồi trong suốt tuổi thơ tôi, cái thanh âm đó vẫn da diết vọng hoài. Cái thời năm chín mấy.. những mùa hè nắng chói chan, nước dưới sông lên cao gần đến sàn nhà, gió thổi rì rào trên đầu ngọn cây. trưa nào giọng cô Thanh Tuyền cũng vang vang từ cái cassette nhà tôi. Tôi nằm võng, Mẹ ngồi cạnh thuê những bông hoa trên nền vải trắng, chóc chóc quay sang đưa võng. Tôi nằm đó mơ màng hát theo “ nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn..” Mẹ mỉm cười.
“Thuở học trò em làm khổ ai chưa? Em vẫn còn duyên dáng của ngày xưa tà áo trắng dưới hàng hoa phượng đỏ..!” L.A.Đ
Cái thời đó Cô Sáu tôi còn ép cánh hoa phượng hình con bướm trong tập vở. Những ngày Ba Mẹ đều vắng nhà Sáu chở tôi theo đến lớp. Ngồi sau chiếc xe đạp hai tay tôi nâng niu tà áo dài trắng của Sáu đi qua những con đường đầy bóng những gốc phượng già, mát rượi. Hè sắp đến nhưng cây chưa có hoa. Sáu Tôi ngân nga “Mỗi năm đến hè lòng man mát buồn..” tôi cũng hát theo, Sáu hỏi sao tôi thuộc hay vậy? tôi nói “ con nghe trong băng á Sáu”.
Có nhiều khi tôi lấy cuốn lưu bút của Sáu tập đánh vần, tôi thấy có 2 con bướm làm bằng cánh hoa Phượng ép trong đó. Tôi hỏi “ai làm cho Sáu vậy?”? Sáu nói bạn Sáu tặng. Sáu nói ở trường của Ba tôi dạy hoa Phượng nở rồi, hôm nào nói Ba làm cho một con. Thời đó Ba tôi còn đi dạy, Sáu kể với tôi có lần Sáu lén đi theo Ba lên lớp xem lúc giảng bài trên lớp Ba tôi có nói lắp không, vì Ba tôi có tật nói lắp. Ai dè trên lớp lúc giảng bài Ba tôi không hề nói lắp, không hiểu sao hay vậy? hai cô cháu cười đau cả bụng.
Đến giờ tôi còn nhớ hình ảnh Ba tôi mặc áo sơ mi trắng, lái chiếc 67 ngày ngày đi dạy. Chiếc 67 ám ảnh tôi cho đến sau này, vì Ba vẫn thường để tôi ngồi phía trước bình xăng của xe. Đi qua những đoạn đường gồ ghề tôi phải nhởm mông. Sau thời gian đó vì lương giáo viên không đủ sống Ba tôi thôi dạy, chiếc 67 cũng bán đi.
Cũng là những ngày Hè về nắng vàng trong hực cả một góc trời. Mùa Phượng nở đỏ rực đường quê đó. Hôm tôi thấy 6 ngồi khóc, tay nâng niu 2 con bướm hôm rồi, từ đó về sau chẳng bao giờ tôi gặp lại 2 con bướm và cuốn lưu bút đó nữa.
“Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn, Cảm thông được nỗi vắng xa người thương…”
Mười mấy năm sau, khi tôi cũng đã bỏ lại trường lớp, bạn bè “Nỗi buồn hoa phượng” vẫn vang lên trong trí nhớ, như những nỗi niềm đã cũ, gợi nhắc những kỷ niệm ngày tuổi thơ hay những kỷ niệm vừa mới thoáng qua của tuổi học trò. “Buồn riêng một mình ai” có quá nhiều thứ để nhớ, để nghĩ về…
Mai Phước Sang (Viết kỷ niệm 2 năm ngày mất cố nhạc sĩ Thanh Sơn 4/4/2012- 4/4/2014)