Sinh hoạt nhạc trẻ ở xứ ta cứ một ngày một phát triển rầm rộ thêm lên: điều đó thì ai cũng đã biết. Và kể từ vài năm trở lại đây, phong trào nay đã lan rộng đến độ không ai còn có thể biết đích xác được hiện có bao nhiêu ban hoạt động. Nhưng bất cứ một lãnh vực nào cũng đều cần phải có môi trường để hoạt động. Sự hiện diện của quân đội đồng minh đã tạo ra những môi trường thích hợp cho nhạc trẻ hoạt động đã khiến cho nền nhạc trẻ ở đây được cơ hội, thuận lợi để phát triển nhanh chóng chưa từng thấy.
Nhạc trẻ không những chỉ hoạt động trong các Club Mỹ mà còn tìm cách dần dà trở về làm quen với khán giả Việt Nam. Người ta thấy trong thời gian gần đây nhạc trẻ đã từ các Club về xâm chiếm lãnh vực phòng trà và cũng đã gặt hái được thành quả rất khả quan. Một số đông nhất là giới trẻ đã bắt đầu “chịu đèn” loại nhạc ồn ào này và đã có thể tìm thấy trong cái âm thanh hỗn loạn ầm ỉ đó những bắt hay.
Nhưng có điều phải nói dù phong trào nhạc trẻ ở Việt Nam đã lên cao tột mức hầu hết các ban nhạc trẻ vẫn trình bày rập khuôn mẫu các nhạc phẩm của ngoại quốc, phải nói rằng một số lớn các bạn trẻ chơi nhạc ở đây không giỏi nhạc lý, do đó, họ đã không thể tự sáng tác nhạc để trình bày, mà chỉ đi vay mượn của ngoại quốc qua các đĩa nhạc. Các nhạc sĩ đàn anh cũng chưa chịu nghĩ đến việc sáng tác nhạc cho giới trẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh số đông đã chấp nhận sự vay mượn đó, vẫn còn có một số bạn trẻ muốn đi tìm một lối thoát cho nền âm nhạc nước nhà bằng cách tự sáng tác những nhạc phẩm cho mình trình diễn, và sự ra đời của ban ca nhạc trẻ Phượng Hoàng đã được ghi nhận như một hiện tượng rất tốt trong sinh hoạt ca hát xứ ta.
Họ gồm có 5 người trẻ tuổi khá quen thuộc trong giới nhạc trẻ trước đây như: Nguyễn Trung Cang từng cộng tác với ban The Young Five, Như Khiêm trong ban nhạc của Jo Marcel ngày nào. Hoài Khanh là một ca sĩ quen thuộc trong ban Mây Ngàn, v.v… Nói tóm lại, cả 5 người đều đã từng có nhiều năm lăn lộn trong sinh hoạt nhạc trẻ ở các Club Mỹ cũng như các phong trà thủ đô. Và bây giờ, họ đã tìm đến với nhau, kết hợp lại thành một ban để tìm lấy một hướng đi riêng biệt trong hoài bão mà họ đã ấp ủ bao lâu rằng “nền ca nhạc Việt Nam cần phải có một lối thoát”
Khác hẳn với những ban nhạc trẻ mà bạn đọc thường được nghe nhắc đến ban Phượng Hoàng chỉ trình bày các nhạc phẩm hoàn toàn Việt Nam. Cách đây hai tháng, người viết bài này đã .Những được nghe ban Phượng Hoàng hát trong đêm đầu tiên họ xuất hiện tại Đêm Màu Hồng với những ca khúc thật là hay vô cùng. Có người cho rằng đó là những nhạc phẩm ngoại quốc được dịch lại bằng lời Việt. Nhưng Lê Hựu Hà đã lên tiếng minh xác về điều đó. Anh bảo rằng những nhạc phẩm mà ban Phượng Hoàng trình bày hoàn toàn do họ sáng tác và soạn hòa âm. Hai người trong ban là Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang lãnh nhiệm vụ soạn nhạc. Đó toàn là những nhạc phẩm “cây nhà lá vườn” chứ không phải nhạc ngoại quốc được viết thêm lời Việt. Hà đã ví von nhạc Việt Nam như một quả bóng không có chỗ xì hơi, và do đó “tụi này mong muốn nhạc Việt phải được nhiều phong phú hơn, muốn thế cần phải học hỏi những cái hay của nhạc ngoại quốc, ghi nhận những cái hay đó để biến hóa thành nhạc Việt”.
Ngày thành lập ban nhạc Phượng Hoàng được tổ chức tại Đêm Màu Hồng tối thứ ba ngày 15 tháng 6 năm 1971
Đề cao thiên nhiên và tình người
Đa số bài ca của Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà mà ban Phượng Hoàng đang trình bày đều nhằm vào hai mục tiêu là đề cao Thiên Nhiên và đề cao Tình Người. Chẳng hạn một số bài mà tôi đã được nghe có những câu rất hay như “Em có nghe loài người chua cay, qua tiếng khen nụ cười siết tay, em hãy yêu người không yêu em, em hãy chia tình yêu trong tim, em hãy cho một người không quen… một phút hay một ngày nhớ tên…” (Lời Người Điên).
Hoặc trong bài yêu người và yêu đời với những câu “bạn thân ơi, hãy cứ yêu thương đời dù đời không yêu ta, hãy cứ yêu thương hoài mặc đời ta không ai. Hãy vững tin yêu đời, dù đời chỉ yêu giả dối, dù đời cay đắng như vôi…” Trong những buổi đầu mới ra đời, thành phần của ban Phượng Hoàng gồm có 6 người. Nhưng cô Mai Hoa vì còn nhiều bận rộn với các Club Mỹ nên hiện nay ban chỉ có 5 hay chàng trẻ tuổi. Họ cho biết nhất định phải theo đuổi đến cùng mục tiêu mà họ đã đề ra.
Sự ra đời của ban Phượng Hoàng là một việc làm mạo hiểm. Họ tâm sự với người viết bài này như vậy. Nhưng họ đặt rất nhiều tin tưởng vào mục tiêu mà họ đã chọn. Tuy nhiên chuyện thành công hay không và thành công tới mức độ nào thì còn phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Ngọc Hoài Phương – Trích báo Hồng số 13 phát hành ngày 28 tháng 7 năm 1971