Quang cảnh Đà Lạt năm 1917 qua bài báo đầu tiên của người Việt Nam viết về Đà Lạt

0
4

Tạp chí Nam Phong số 9 và 10 ra tháng 3 và 4 năm 1918 có đăng bài “Lâm Viên hành trình nhật ký” của ông Đoàn Đình Duyệt. Đây có lẽ là bài báo đầu tiên của người Việt Nam viết về Đà Lạt. Theo Đặng Ngọc Oánh trong Bulletin des Amis du Vieux Hué, số 2 năm 1918, Đoàn Đình Duyệt giữ chức Thượng thư bộ Hộ, không kiêm Binh bộ sự vụ.

Xin nhắc lại về thời điểm năm 1917, đó là lúc mà việc xây dựng Đà Lạt của người Pháp còn rất sơ khởi, hệ thống đường sá và hạ tầng phục vụ cho mục đích du lịch và nghỉ dưỡng chỉ đang được tiến hành xây dựng những bước đầu tiên.

Vào năm 1893, bác sĩ Yersin thám hiểm Lang Bian rồi sau đó đề xuất toàn quyền Doumer xây dựng Đà Lạt thành trạm nghỉ mát, rồi phải tới 10 năm sau đó, toàn quyền Albert Sarraut mới thể hiện quyết tâm biến nơi này thành địa điểm nghỉ mát trên cao số một của toàn Đông Dương. Thời điểm này, người Pháp có mặt ở Đông Dương rất đông đúc, họ ngày càng quan tâm đến nơi nghỉ mát có khí hậu giống ở chính quốc.

Nghị định ngày 6/1/1916 đã chính thức hóa việc thành lập cùng lúc tỉnh Lang Bian (Lâm Viên) và thị xã Đà Lạt, được Toàn quyền Đông Dương quản lý trực tiếp.

Giai đoạn từ giữa thập niên 1910 trở về sau được xem là thời của sự trỗi dậy của một thành phố. Để phục vụ cho số lượng khách du lịch Châu Âu tăng mạnh đến nơi này, toàn quyền Đông Dương lúc đó là Ernest Roume đã ra lệnh xây biệt thự và một khách sạn tráng lệ chưa từng có, khách sạn mang tên Lang Bian Palace, sau này được biết với tên Dalat Palace và vẫn còn cho đến hiện nay. Sự kiện xây dựng năm LangBian Palace năm 1917 cũng được người Pháp xem là dấu mốc khai sinh ra thành phố nghỉ dưỡng Đà Lạt. Thực tế, khách sạn này được xây năm 1916 nhưng tới 1922 mới khánh thành, vì vậy lúc ông thượng thư Đoàn Đình Duyệt phụng chỉ vua Khải Định lên Đà Lạt để xây dựng hành cung thì khách sạn Lanbian Palace vẫn đang được xây dựng.

LangBian Palace, nay là Đà Lạt Palace

Sau đây là bài viết trên Tạp chí Nam Phong:

Tạp chí chúng tôi [Nam Phong] nhận được của ông Đoàn Đình Chi, viên chức giữ sổ sách Viện Hàn lâm, bản sao chép bài Lâm Viên hành trình nhật ký do Ngài Nam tước Đại thần Đoàn Đình Duyệt, Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công, kiêm Binh bộ sự vụ, sung chức Cơ mật Đại thần, kiêm Quản đốc Đô sát viện, biên soạn.

Chuyến đi này thực hiện trong năm ngoái, vào ngày mồng 10 tháng 7 Nam lịch.

Khi ấy, Ngài Nam tước phụng chỉ đến tỉnh Lâm Viên mới thành lập để quan sát, đồng thời trù liệu xây cất hành cung. Lúc trở về, Ngài ghi chép tình hình các địa phương mà Ngài đã đi ngang qua, lập thành một bản trình tấu dâng lên Hoàng thượng [vua Khải Định], được Hoàng thượng châu phê: “Việc của cổ nhân, một viên chức há dám cẩu thả mà làm sao? Nhưng nay, Ninh Lãng có thể được coi là có lòng đối với nước nhà vậy. Hãy đem bản biên soạn này cùng lời châu phê chép lại phổ biến. Khâm thử!”.

Tạp chí chúng tôi nhận được nhật ký này, xin công bố để độc giả cùng xem.

[sau đây là nhật ký hành trình của Quan thượng thư Đoàn Đình Duyệt]

Ngày mồng 8 tháng 7, bái nhận lệnh Hoàng thượng.

Ngày mồng 10, 5 giờ rưỡi sáng, lên xe lửa khởi hành từ Thuận Hoá. 9 giờ tới đồn Đà Nẵng, Quảng Nam.

Trưa ngày 11, nhổ neo rời bến đồn Đà Nẵng đi về phương Nam trong suốt 18 giờ liền.

Ngày 12, lúc 4 giờ sáng, đến đồn Qui Nhơn dừng nghỉ. 3 giờ chiều cùng ngày, rời bến đồn Qui Nhơn để đi xuống hải cảng Ba Ngòi thuộc tỉnh Khánh Hoà. Cảng này mới thiết lập, đã có tên theo quốc âm, thần không dám dịch trở lại chữ Hán, sau đây xin cứ y theo âm ấy mà gọi.

3 giờ sáng ngày 13 đến nơi, hành trình suốt 12 giờ. Tính ra, từ Đà Nẵng đến Ba Ngòi, đi hết 30 giờ đường thuỷ. Trong mấy ngày đó, trời lặng sóng yên, suốt chuyến đi trên biển đều được yên ổn. Sáng hôm ấy, thần từ cảng Ba Ngòi lên đất liền, xem xét hình thế của cảng này: Từ bờ ngoằn ngoèo nhô ra biển một dãy núi, ba mặt cao ngất, ở giữa hình thành một cái vịnh sâu mà rộng. Tàu chiến có thể đậu trên một trăm chiếc. Trước vịnh duy nhất có một cửa ải, tàu chiến lớn có thể ra vào được. Quả là nơi trú đóng rất an toàn của tàu chiến, kín đáo như ao trời. Chốn này xưa kia vốn là một góc biển hoang vu, người không đặt chân đến. Nay Nhà nước bảo hộ tăng cường quản lý, thiết lập Nha Kiểm lâm, Nha Sen
đầm, Toà Điện báo, Cục Thương chánh và Nhà khách công. Trước bến đang xây dựng một cầu tàu bắc ngang ra đến giữa vịnh, dài chừng trên một ngàn thước, đúc bằng xuy mông [xi măng]. Từ bờ biển ra tới cầu có đắp một con đường đá trên đó có đường ray cho xe bánh nhỏ chạy thông ra đến đầu cầu. Kinh phí phải lên đến ức, triệu. Tương lai, nơi này sẽ là bến neo thuyền lớn nhất của xứ Trung Kỳ.

Buổi chiều, vào lúc 3 giờ 53 phút, từ Ba Ngòi lên xe lửa.

5 giờ 40 đến Cầu Bảo tức Phan Rang, thuộc phủ Ninh Thuận, lộ trình dài 47 ki-lô-mét, đi xe mất 1 giờ 47 phút. Lúc bấy giờ trời đã xế chiều, đến công quán dừng nghỉ. Ở đây là một bến đậu xe lớn, xe đi ba ngả: một ngả trở về hướng Bắc, đi Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hoà; một ngả theo hướng Nam đi về Sài Côn [Sài Gòn]; còn một ngả đi về phía Tây, đến Điếm Côn [Xóm Gòn], tức là tỉnh lộ đi Lâm Viên. Các khách buôn đa số đều dừng lại ở đây để chờ xe. Nhà nước hiện đang xây cất một lữ quán công cao ba tầng, lợp ngói. Người đến ăn ở có phòng riêng, trú ngụ rất an ổn. Lại có sở làm việc của quý quan bảo hộ và nhiều nhà lầu của quý điền chủ người Pháp. Cư dân thường dùng xe thồ do một ngựa kéo để chở thuê hành khách hoặc hàng hoá đưa lên xe lửa. Loại xe ngựa này có chừng 50 chiếc. Nơi đây quả là ngã tư hội tụ, tương lai hẳn sẽ ngày càng phồn thịnh.

Sáng ngày 14, từ Cầu Bảo đi Điếm Côn. 5 giờ rưỡi lên xe, 7 giờ 15 phút đến nơi, đường dài 40 ki-lô-mét, xe lửa đi mất 1 giờ 45 phút. Đây là điểm chót của đường xe lửa. Đến đây xuống xe, rồi hoặc đi kiệu hoặc cưỡi ngựa men theo đường sống núi mà lên. Độ 3 tiếng đồng hồ thì tới Eo Gió, tiếng Tây gọi là Biên-uy [Bellevue], lộ trình dài 12 ki-lô-mét. Từ đỉnh Eo Gió cao cách đồng bằng 1.045 thước tây. Hai bên đường cây cối rậm rạp, tuyệt nhiên không có dân cư. Khách buôn lên xuống tuy đông nhưng rất ít có chỗ để dừng lại nghỉ ngơi. Trong khoảng đường 12 ki-lô-mét chỉ có Trạm Côn là một trụ sở và một trụ sở của đốc công ở Đá Bàn. Chốn rừng rú u tịch, đường đá gồ ghề khó đi. Khiêng kiệu phải dùng người Thượng mới đi được. Hiện nay Nhà nước bảo hộ đang dựa theo thế núi mở một con đường xoắn ốc, xe điện có thể chạy được, đồng thời để vận tải hàng hoá. Nhân công và kinh phí tốn không biết là bao nhiêu. Tương lai sẽ là con đường lưu thông chính, mà đoạn lớn được thi công đại quy mô là như vậy.

Đến Eo Gió liền có xe điện của quý toà Đa Lạc [Đà Lạt] xuống đón. Lên xe lúc 11 giờ trưa, đến 12 giờ 50 phút tới Đa Lạc, tức tỉnh lỵ tỉnh Lâm Viên, đường bộ dài 61 ki-lô-mét. Tính từ Eo Gió trở lên thì xe chạy nhanh được trên khoảng đường chừng 50 ki-lô-mét. Đường lúc này bằng phẳng, có chỗ như miền trung châu. Ven đường có độ năm, ba cái sách [xóm có rào] của người Thượng. Nhà lụp xụp, thô sơ. Đất trồng lúa mỗi nơi chỉ được độ một, hai khoảnh nhỏ, còn lại là đất trống mênh mông, nhìn ra thấy hoang vu cả ngàn dặm tới tận cùng tầm mắt. Nếu di dân lập ấp, khai khẩn canh tác thì có thể có được hai, ba trăm thôn. Đó là đất đai ven hai bên đường, mắt có thể nhìn thấy được. Còn những nơi khác cách xa, bên sau non suối, chưa có thể khảo sát được.

Từ 50 ki-lô-mét trở lên xa hơn, lại phải men theo núi mà đi. Trên dưới đồi núi chập chùng, lối đi quanh co. Vùng đất này sản sinh rất nhiều thông, hai bên đường đi nhìn thấy toàn màu xanh, một màu xanh biếc thật đẹp mắt.

Lúc đến Đa Lạc, viên chức huyện Lâm Viên dẫn dân trong hạt, độ một nửa là người Hán [người Hoa] và người Thượng, ra đón mời vào huyện nha ngừng nghỉ.

3 giờ chiều đến yết kiến quý Khâm sứ Đại thần tại trú dinh. Ngài Khâm sứ kính chúc Hoàng thượng vạn an, thần đáp lễ. Thần đã điện về cho Viện để tâu lên Hoàng thượng. Vào lúc này, quý Công sứ ở Lâm Viên cùng quý quan chức đều có mặt nơi đây. Cuộc tiếp xúc giữa đôi bên thật vui vẻ.

5 giờ chiều, trở về huyện lỵ nghỉ ngơi. Trời vào tiết đầu thu, miền trung châu chưa bớt nóng mà ở đây thì trời đã lạnh dần, có mưa phùn, mặc áo lông cừu thật thích hợp. Xem khí hậu thấy giống như đầu xuân. Theo lời quý quan trú ở đây thì vùng đất này tới mùa đông hàn thử biểu có lúc xuống một, hai độ, giống như khí hậu miền Nam châu Âu. Đôi khi cũng có mưa tuyết. Quả là điều kỳ lạ trên đất nước Lĩnh Nam vậy. Người của quý quốc thích khí hậu ôn hoà nên mùa hè thường đưa gia quyến lên đây nghỉ mát.

Chiều ngày 14 cho đến suốt ngày 15, ngoài trời mưa liên tục, không tiện đi xem phong cảnh.

Chiều ngày 16, bất kể trời mưa, lên xe kéo ra đi. Nhìn bốn phía thấy núi cao vây bọc, rừng thông rậm rạp, ở giữa có chừng vài ngàn mẫu đều là núi bằng, đồi trọc cao thấp nhấp nhô. Từ các dinh thự, nhà cửa cho đến khách sạn, nhà ở của người dân, thảy đều xây cất trên đồi núi. Dưới chân núi nào cũng có đường cái đan chéo ngang dọc, xe điện có thể chạy được. Lại có những cánh đồng bằng bé nhỏ có thể cày cấy. Từ dưới đồng bằng nhìn lên, thấy trên núi lâu đài sắp xếp như quân cờ, la liệt như sao. Cảnh đẹp giống như tranh vẽ.

Kiến trúc hiện đang có là Toà Công sứ, Nha Lục lộ, Nha Kiểm lâm, Nha Ngân khố, Phòng Điện báo, bệnh viện và cư xá cho binh lính đồn trú. Ngoài ra còn có những khách sạn xây cất theo kiểu phương Tây. Huyện nha của Lâm Viên cũng đặt ở đây. Vua Cao Man (Căm-pu-chia) có xây cất một nhà khách, mùa hè có khi đến đây nghỉ mát, lại còn mua một khu đất, định xây dựng một hai toà lâu đài, trang trí rất lộng lẫy. Đó là nghe quý Khâm sứ thuật lại và còn hướng dẫn đi xem khu đất ấy nữa. Quý quan đại thần của Nhà nước bảo hộ cũng trù tính xây thêm Phủ Toàn quyền và Toà Khâm sứ ở đây. Tương lai nơi này hẳn trở thành một đô hội lớn.

Hiện đang chọn một khu đất để xây hành cung, nơi đó là một ngọn núi, đỉnh núi bằng phẳng, rộng chừng trên 10 mẫu, nằm gần ngọn núi xây cất Phủ Toàn quyền. Trên núi ấy hiện đang có những cây thông già xanh tốt, mỗi cây cao 6, 7 thước tây, mọc thành hàng như do người trồng, cảnh trí rất tự nhiên. Phía trước mặt có một con đường xe điện lưu thông được. Một dòng suối lượn quanh bao bọc từ bên phải ra đến phía sau núi. Thật là một địa điểm cao ráo quang đãng.

Cũng thuộc phạm vi Đa Lạc và cách Đa Lạc 2 ki-lô-mét rưỡi có suối Cẩm Lệ [Cam Ly] từ trong Đa Lạc chảy ra, quanh co như một con sông, đến chỗ Cẩm Lệ thì có một khối đá lớn chắn ngang, dưới chân khối đá có một cái hồ lớn, từ mép hồ lên tới đầu khối đá cao độ 30 thước tây. Mặt khối đá có hai khe hở, nước từ khe hở chảy vọt xuống như hai cầu vồng dài. Giữa hồ nhô lên một cái gò như bãi trâu tắm. Quý quan đang xây một cái lầu tám góc, quanh lầu trồng những loài cây ra hoa, du khách đến đây ngồi nghỉ và hóng mát. Từ mặt tiền của lầu nhìn ra bốn phía, nước chảy vòng quanh, trăm hoa vây bọc. Bên kia bờ là một khối đá cao ngất, hai cầu vồng bắc ngang qua làn sóng bạc. Quả là chốn Bồng Lai tiên cảnh!

Lại cách Đa Lạc 14 ki-lô-mét là Lâm Viên, nơi đây có một vườn hoa và một chỗ nuôi thú. Trong vườn đất đai phì nhiêu, bốn mùa đều có rau đậu phương Tây tươi tốt, xứng đáng được gọi là Đàn Hương Sơn trên đại lục. Đàn Hương Sơn thuộc vùng biển Tây bán cầu, đi theo đường biển thì 7 ngày tới châu Mỹ. Bốn mùa cây cỏ đều ra hoa, kết quả, nổi tiếng thế giới.

Cách Lâm Viên phỏng chừng 5 – 6 ki-lô-mét còn có suối Đan Ki [Đăng Kia], tiếng Tây dịch là Ưng-kỳ-du-kiệt-từ [Ankroët]. Dòng suối ấy từ trong lòng đất chảy vọt ra. Từ hai khe đá, nước phun ra giao nhau rót xuống ngay giữa một thạch bàn.

Tục truyền tiên ngồi tắm trên thạch bàn đó. Dưới thạch bàn lại có một hang đá lớn, nước suối chảy qua thạch bàn, trút xuống hang đá ấy từ độ cao trên 40 thước tây. Nước suối chảy rẽ làm 5 mạch. Từ ngoài nhìn vào, nước từ trong thạch bàn trào vọt ra, trút từ trên cao xuống thành 5 dòng như 5 con rồng phun nước. Tục gọi đó là hồ tiên tắm, hình thế thật lạ kỳ.

Lại nghe nói gần Lâm Viên có một ngọn núi cao 2.200 thước tây là núi cao nhất Trung Kỳ. Đã mở một con đường nhỏ để tiện lên núi ngắm cảnh. Nếu đứng trên đỉnh núi này nhìn qua kính viễn vọng thì phía Tây thấy được nhà cửa của cư dân tỉnh Côn Tung [Kon Tum], phía Đông thấy tới biển. Đây cũng do quý Khâm sứ đại thần nói cho biết.

Từ tỉnh hạt Lâm Viên, phía Nam thông xuống Sài Côn [Sài Gòn]. Đã có một con đường bộ, đi chừng một ngày thì tới nơi. Nửa ngày đi xe điện được 80 ki-lô-mét, đến bến xe Ma Lâm (thuộc tỉnh Bình Thuận), nếu đáp xe lửa vào Nam chừng 150 ki-lô-mét thì tớiâ Sài Côn. Từ Ma Lâm lại có một con đường đi về tỉnh Bình Thuận, cũng đi bằng xe điện. Tới bến xe Ma Lâm, lên xe lửa chạy theo hướng Đông Bắc độ trên 80 ki-lô-mét thì tới nơi. Thiết nghĩ, sau này khi kiến thiết xong hệ thống đường sá, đường bộ, đường thuỷ thông thương thì Lâm Viên sẽ là vùng đất rộng lớn, then chốt của Đông Dương. Tiếc rằng, lúc đến Đa Lạc trời mưa 4 ngày liên tiếp, ngày về thì vội gấp, nên chưa được đi theo quý Khâm sứ đại thần xem tất cả các thắng cảnh. Dường như nước non tươi đẹp vẫn còn đợi chờ khách hữu tình vậy.

Ngày 18, giã từ để trở về. Lại đi theo con đường lúc đến, xuống tới Điếm Côn, lên xe lửa trở lại Cầu Bảo. Quý quan Đại lý đem xe song mã đón về phủ Ninh Thuận dừng nghỉ.

Ngày 19, lại đáp xe lửa đi ngang qua Ba Ngòi và về nhanh đến Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hoà. Đường từ Cầu Bảo tới Nha Trang trên 70 ki-lô-mét, xe lửa chạy trong 3 giờ rưỡi thì đến bãi đậu xe [ga] Nha Trang, đường sắt Nam Kỳ chạy suốt đến đây. Bấy giờ có quý Công sứ đi xe điện đến đón. Bãi đậu xe này cách Toà Công sứ 5 ki-lô-mét và cách tỉnh thành 6 ki-lô-mét. Cũng vẫn đi xe điện đến quý toà, trao đổi bàn bạc, sau đó trở về tỉnh lỵ khám sát.

4 giờ chiều hôm ấy, lên xe điện từ tỉnh lỵ Khánh Hoà. 7 giờ tới phủ Ninh Hoà nghỉ lại. Phủ lỵ Ninh Hoà thuộc tỉnh Khánh Hoà, từ tỉnh thành tới phủ lỵ 60 ki-lô-mét.

Trên đường đi, nhìn thấy địa thế tỉnh này rộng mênh mông, khí hậu lại rất ôn hoà, bốn mùa đều trồng lúa được. Nhìn lướt qua, thấy ruộng lúa cao thấp xen nhau. Đất này trồng lúa không phân thời tiết nên ngoài đồng lúa có chỗ mới cấy, có chỗ đã thành cây con hoặc có chỗ đã trổ bông, trông so le cao thấp không đều. Tất cả đều rất tươi tốt. Tiếc rằng ở đây dân cư còn ít, thôn xóm thưa thớt. Tuy là một vùng đất trung châu mà phần lớn vẫn còn là đất trống. Hiện nay, quý quan lập một số đồn điền đã dần dần có hiệu quả. Nếu địa phương này khuyên được dân ta bắt chước tốt sáng kiến trên đây, mộ dân khai hoang lập ấp, mở mang việc cày cấy thì đất ruộng ngày càng mở rộng, dân số ngày càng đông, tương lai có thể thành một trấn lớn phồn vinh.

Ngày 20, 5 giờ sáng, từ phủ Ninh Hoà đi kiệu trong 10 tiếng đồng hồ thì đến Điều Kỳ [Diêu Trì] tức Đại Lãnh. Đây là chỗ giáp giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà. Thế núi rất cao, ngày xưa đường cái quan đi băng ngang qua rặng núi. Đi từ Bắc vào Nam hoặc từ Nam ra Bắc, hành trình đều ngót một ngày. Đường đi lên xuống, thế rất hiểm trở. Xe ngựa, kiệu võng đều không qua được. Nay quý quan dựa theo thế núi mở một con đường quanh co men theo bờ biển. Hễ gặp đá lớn đều phải dùng thuốc nổ bộc phá mới khai thông được. Đã khai thông được phỏng chừng 5 ki-lô-mét, nay mới đang thi công một đoạn đường lớn. Tiếng bắn đá như tiếng súng nổ liên hồi. Lúc bấy giờ, phái đoàn đi dọc theo con đường ấy. Trước khi qua phải bảo người đốc công cho tạm ngưng công tác ở tuyến tiếp giáp mới có thể đi qua được. Xem công trình to tát như vậy, đến lúc xong chắc kinh phí sẽ lớn đến khoảng “60 – 70 vạn nguyên.

Con đường này mà xong thì từ Bắc Kỳ có thể đi xe điện thẳng vào Sài Côn, mọi sự đều nhanh chóng, lợi ích, có thể lường trước được vậy. Đi dọc hết đường núi, lại xuống đồng bằng, đến 7 giờ chiều thì đến phủ Tuy Hoà thuộc tỉnh Phú Yên, dừng lại nghỉ.

Ngày 21, từ phủ Tuy Hoà đi xe kéo cho đến 9 giờ sáng thì vừa gặp xe điện của quý toà Công sứ Quy Nhơn lại đón. Thế rồi lên xe điện đi ngang tỉnh Phú Yên khám sát.

4 giờ chiều, từ Phú Yên lên xe. Từ đây cho tới Đà Nẵng đều đi bằng xe điện.

7 giờ chiều, về đến toà Công sứ Qui Nhơn. Toà Công sứ Bình Định đặt ở đây, cách tỉnh thành 20 ki-lô-mét. Trao đổi, bàn bạc ngay tại toà rồi nghỉ ngơi luôn ở đấy.

Từ Phú Yên ra Bình Định có hai đèo Cù Mông và Phú Khê. Ngày xưa, dọc theo đèo mà đi, đường hiểm trở, xe điện không qua được. Nay dưới núi có mở đường nên xe chạy bình thản.

Ngày 22, từ giã quý toà, đi đến tỉnh Bình Định khám sát.

4 giờ rưỡi chiều, đi cùng với quan tỉnh đến xem một đập đá mới đắp do Hội bảo nông của địa phương thuộc phủ An Nhơn, lưu vực sông Phương Mính, cách tỉnh thành 4 ki-lô-mét. Thấy cái đập xây bằng xi măng, chắn ngang lòng sông, dài chừng trên 100 thước tây, có 9 cửa thông nước sâu thẫm, uốn quanh theo thế nước. Chắn nước thì dùng những tấm ván đặt ngang để phân cấp, mỗi cấp đều có thước tấc nhất định, tuỳ lúc mà mở hoặc đóng, đã được định trước. Mỗi đầu đập ở hai bên bờ sông đều có xây một móng đá lớn đề phòng nước lũ đập mạnh làm lở bờ sông. Trên móng có xây một số ghế đá để cho người đi đường có thể ngồi quan sát. Quy cách trông khá tân kỳ.

Lúc 7 giờ có khoảng vài trăm người già, trẻ, đàn ông, đàn bà vây quanh để xem. Họ đều nói : “Từ khi xây đập đến nay, hai mùa thu hoạch đều tốt, dân chúng vui mừng”. Số là nhà nông tỉnh này rất coi trọng việc đê đập. Phàm xây đập ngang hay dọc, thời hạn lấy nước, xả nước nhiều hay ít đều có văn thư giao ước. Nếu bội ước ắt liều mạng tranh giành. Quản trị tỉnh hạt này phải nắm rõ quy lệ về đập. Phàm đắp thêm một đường xe chạy, mở một cái mương hoặc di chuyển bờ đập như đập dọc đổi thành ngang, ngang đổi thành dọc, chỗ ất dời sang chỗ giáp, chỗ giáp dời sang chỗ ất chẳng hạn, phải họp những người dùng chung đập và những người cùng khúc sông, chất vấn nhau cặn kẽ, thuận tình thì mới được, nếu không ắt sẽ gây trở ngại. Cái đập đá này nguyên trước kia do hai người đàn bà mua đất tư và mở một khúc sông riêng, lấy nước từ 7 cái đập ở sông Đại An chảy trực tiếp tới phủ lỵ An Giang và đắp đập trên sóng lưng một nền đá, đã trải qua mấy trăm năm rồi. Nay dân vùng đập này còn lập miếu thờ hai người đàn bà ấy. Vì vật liệu xây dựng chủ yếu là gốc rạ, tre, gỗ và đất cát, do đó thường bị mưa to, lũ xuyên phá, mỗi năm đều phải làm lại, nhà nông phải chịu phí tổn đến gần ba ngàn nguyên, nhưng cứ mỗi lần mưa lũ thì đập vỡ, lại bị mất mùa. Vài năm trước đây, nông hộ Nguyễn Cẩn tự đứng ra xin cùng nhau đóng góp xây đập bằng xi măng, kinh phí dự trù lên đến trên một vạn nguyên. Năm ngoái đập hoàn thành.

Toà tỉnh này đã cứu xét và ra thông tư, phàm người nào đã tham gia vào công trình đều được tưởng thưởng. Nay thần đến đây thấy đập quả thật kiên cố. Quy cách của nó rất tối tân so với các đập khác. Công cuộc cải tiến nông nghiệp của ta ở Trung Kỳ do dân khởi xướng bắt đầu từ cái đập này. Tỉnh hạt có vài chục cái đập. Nếu tất cả những nơi khác đều bắt chước đó mà làm, thật là lợi ích lâu dài.

Ngày 23, lúc 6 giờ sáng, lên xe rời tỉnh lỵ Bình Định. 12 giờ đến tỉnh Quảng Nghĩa. 4 giờ chiều lại từ Quảng Nghĩa đi tiếp. Đến 6 giờ ra tới toà Đại lý phủ Tam Kỳ, dừng lại nghỉ.

Ngày 24, lúc 6 giờ sáng, đi đến Bồng Miêu xem mỏ vàng. 11 giờ trở lại phủ Tam Kỳ. 2 giờ chiều, từ biệt phủ Tam Kỳ lên đường. 3 giờ tới tỉnh Quảng Nam.

Chiều ngày 25, từ Quảng Nam trở ra Đà Nẵng, nghỉ ở đây.

Sáng ngày 26, đáp xe lửa về đến An Cư, khám sát nhà nghỉ mát mới xây dựng. Đến 5 giờ chiều về tới kinh đô.

Ngày 27, vội vào triều bái, phục mệnh.

Chuyến đi này của thần là do vâng lệnh Hoàng thượng mà đi quan sát. Phàm vùng núi sông nào thần đã đến, đường sá nào thần đã đi qua, những gì mắt thấy tai nghe có liên quan đến chính sự hiện nay, cùng hành trình bằng đường thuỷ, đường bộ như thế nào, giờ giấc đi xe điện nhanh như bay ra sao thần đều chẳng dám không ghi chép từng ngày để làm thành một bản Lược khảo trong chuyến đi Nam. Còn như tìm hiểu cho tận cùng bờ cõi, khảo đính thư tịch và bản vẽ, do thần học vấn thấp kém, hiểu biết có chỗ không tới nơi, còn mong chờ có người thực hiện.

Thần cẩn chí.

[7, 153 – 154, 202 – 205]

Người dịch: PHẠM PHÚ THÀNH

 

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận