Năm 1970 nhạc sĩ Lam Phương có chuyến công tác lên vùng cao nguyên. Khi gần tới doanh trại quân đội, cả đoàn văn nghệ phải vượt qua sự kiểm tra thông hành của các đơn vị Tiền Đồn. Hình ảnh các anh lính tiền đồn phải gồng mình canh gác giữa vùng trời cao nguyên lạnh buốt, ông đã tức cảnh sinh tình sáng tác Đêm Tiền Đồn. Cùng với lời nhạc sâu lắng pha trộn giai điệu hào hùng, bài hát như đưa người nghe về lại những đêm tiền đồn heo hút nơi núi rừng cao nguyên thăm thẳm hay dưới đồng bằng miền tây lầy lội, để nhớ một thời máu lửa đã qua.
Vùng cao nguyên đất đỏ Trời lạnh với sương mù Thương mến anh vượt đường xa đến đây Mưa vẫn bay mà lòng anh vẫn say Diệt thù trong rừng sâu khi bên suối vắng đêm thâu.
Tiền Đồn là vị trí ở xa doanh trại quân đội nhất, là vị trí có nhiệm vụ canh giữ và chống lại những cuộc tấn công đầu tiên của địch. Thời điểm ấy, các anh lính tiền đồn khi thấy đoàn văn nghệ cùng nhạc sĩ Lam Phương đến đã rất vui mừng chào đón. Khi xe đến nơi thì trời đã ngã về chiều, vùng cao nguyên đất đỏ với sương mù và mưa giăng ngập lối đi làm lòng khách đường xa và người lính thêm thương mến nhau. Đêm hôm ấy sau buổi biểu diễn với các ban nhạc quân đội, nhạc sĩ Lam Phương đã nhìn ra phía trời xa, giữa rừng sâu, cái mưa, gió của trời cao nguyên lạnh buốt, lòng người nghệ sĩ có chút e ngại, nhưng lòng các anh lính thì vẫn say với nhiệt huyết diệt thù. Dù rừng sâu hay suối vắng, cái khắc nghiệt của thời tiết hay những nguy hiểm trực chờ trước mắt đối với các anh có là gì…
Gặp anh trong phút này là mừng trong phút này Khi chiến tranh còn gây thêm máu lửa Thì mộng mơ xin trả hết cho đời Quê hương này còn mãi mãi nhờ anh.
Trong thời chinh chiến, gặp nhau phút này thì vui mừng trong phút này, bởi chiến tranh vẫn còn thì biết có thể gặp nhau thêm lần nào nữa không? Đời lính mà, sống và chết cận kề trong gang tấc nên mộng mơ xin trả lại cho đời, bởi chí làm trai của sông núi, nợ quê hương mãi mãi là lẽ sống và lý tưởng.
Khi đôi chân vẫn chưa mòn trên núi cao Khi đêm đêm súng căm hờn vẫn đổi trao Anh vẫn đi đi giết thù Anh vẫn mong tìm ngày vui cho chúng mình.
Năm 1958, nhạc sĩ Lam Phương từng nhập ngũ Quân lực Việt Nam Cộng hòa, từng là một người lính nên ông hiểu lính. Dù đi bất cứ đâu trên khắp miền sông núi thì vẫn diệt thù. Nghệ thuật dùng từ đỉnh cao, chỉ một câu “đêm đêm súng căm hờn vẫn đổi trao” đủ để diễn tả vai trò và trách nhiệm của người lính. Sự giao tranh của hai bên đối lập vẫn diễn ra trong căng thẳng nhưng lòng người lính không sợ, nó như cuộc đổi trao hằng ngày. Dù cho bao nhiêu là gian nguy nhưng họ vẫn tin vào ngày mai, ngày vui cho anh, cho em và cho chúng mình.
Ngoài kia sương xuống lạnh Tình càng thiết tha nhiều Ta cố vui vì mai xa cách rồi Dù thời gian trăng có xế qua mành Nhưng đêm này còn ghi mãi lòng nhau.
Những đêm tiền đồn ngắn ngủi này, cùng với những cơn gió cao nguyên heo hút lạnh thấu tim người như lắng sâu vào lòng người nghệ sĩ, tình lính chiến còn ghi mãi vào lòng nhau. Khi ngoài kia, sương xuống lạnh thì tình lính và người lại càng thiết tha hơn, họ trân trọng những phút giây ngắn ngủi bên nhau. Dù ngày mai thế cuộc có như thế nào thì họ vẫn vui, chia tay họ lại đi tiếp con đường và trọng trách của mình. Tình yêu và tinh thần thép của người lính, luôn vững vàng trước mọi khó khăn vì mục đích bảo vệ quê hương cũng đồng nghĩa là đảm bảo sự bình yên cho những người thân yêu.
Dù bao năm tháng qua, mọi thứ đã như trăng xế qua mành, nhưng chắc rằng mỗi khi nghe lại Đêm Tiền Đồn sẽ thổn thức đâu đó trong chúng ta cái bóng đêm lạnh dài gần một đời người khi ấy. Trăm ngàn thứ cùng những người con yêu của Tổ Quốc đã vùi sâu dưới lòng đất mẹ, như sống lại. Và khi bản nhạc chấm dứt lòng người vẫn lóe sáng hình ảnh của đêm tiền đồn cao nguyên, của tình lính và tình người.
Biên Soạn: Hai Tứ 1964 Bản quyền bài viết của dongnhacvang.com