Gạo Trắng Trăng Thanh và Trăng Rụng Xuống Cầu là “bộ nguyệt ca” nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Cả hai nhạc phẩm là bức tranh quê hương gió mát trăng thanh hòa lẫn vào tiếng nhạc lời ca mang tình yêu, tình lính và dân bay cao.
Hoàng Thi Thơ là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền tân nhạc miền Nam, với phong cách sáng tác đa dạng từ tình ca đến nhạc quê hương, từ dân ca mộc mạc đến nhạc thời trang, từ nhạc cảnh sang nhạc kịch và từ những đoản khúc đến trường ca hào hùng… những sáng tác của ông đều mang chất và ý nhạc riêng biệt. tạo nên nét đặc trưng mang phong cách Hoàng Thi Thơ. Nói về Trăng Rụng Xuống Cầu nhịp phối nhạc rất đặc biệt, không sử dụng những điệu nhạc phổ biến của nền nhạc miền Nam trước 1975 mà thay vào đó là nhịp chèo thuyền, kết hợp với hình ảnh bao con thuyền cùng mái chèo khoan thai dưới ánh trăng quê hương tạo nên một bản nguyệt ca thơ mộng và vui tươi ấm áp tình người.
Đêm nay bao con thuyền về đâu xuôi mái. Ai ca dưới trăng ngà gần xa vắn dài. Mái chèo khoan thai, trên sông hai màu. Con thuyền về đâu ô hay! Sao trăng rụng xuống cầu? Vì đâu, ô hay, sao trăng rụng xuống cầu.
Những con thuyền xa như trở ánh trăng từ những cánh rừng hoang vắng về lại con sông quê. Những con thuyền đưa những chàng trai lính chiến về ngang qua bến vắng, tiếng hát dưới trăng vàng lúc gần lúc xa như mời gọi các anh ghé lại thôn nghèo. Mái chèo khoan thai, lướt nhẹ trên sông hai màu nước, dòng nước đen trong đêm vắng được ánh trăng tô vàng, sáng cả thôn quê. Khác hẳn thường ngày, đêm nay các anh về ánh trăng bỗng sáng hơn, từng tia sáng như soi đường cho các con thuyền về, trăng cũng như lòng người hậu phương mừng đón các anh nên trăng rụng xuống cầu, trăng lắp lánh sáng lóa dưới mặt nước của sông quê hương… Vì đâu, ô hay, sao trăng rụng xuống cầu.
Đêm nay bao con thuyền về ngang bến vắng. Cô em hát lên rằng dừng chân hỡi chàng. Hỡi chàng chiến đấu! Nắng mưa dãi dầu. Đừng vội về đâu trăng vui nên trăng rụng xuống cầu Vì đâu trăng vui nên trăng rụng xuống cầu?
Những con thuyền từ ngoài xa đã về ngang bến vắng, miền quê thanh bình đang chào đón các anh lính trong hành trình giữ quê hương. Các cô em gái hậu phương đang hát ca gọi mời các anh lính đã quen nắng mưa dãi dầu gian khổ. Xin đừng anh đừng đi vội mà hãy ghé lại dừng chân nơi đây, các anh có thấy từng dòng nước, từng cơn gió mát và ánh trăng cao vời đang vui mừng đón anh. Nếu ở đoạn đầu bài hát ánh trăng là người dẫn lối cho thuyền chở các anh lính chiến về ghé thăm thôn quê, thì sang đoạn thứ hai trăng đón các anh trong niềm hân hoan, là vì trăng vui nên trăng một lần nữa rụng xuống cầu?
Hỡi! Bao con đò! Đêm nay trăng soi trên sông lờ đờ. Mang theo bóng cờ ngày về chiến thắng ánh trăng làm thơ. Hỡi! Trăng mơ màng sao trăng êm soi trên con thuyền chàng? Trăng rơi đầu làng đợi thuyền chiến thắng sóng tách đôi hàng.
Bằng nhân cách hóa Hoàng Thi Thơ đã gửi tất cả cảm xúc và tâm trạng của những con người sống trong thời giao tranh lúc bấy giờ lên ánh trăng. Đêm nay trăng soi trên sông lờ đờ, soi bóng các anh ánh trăng bỗng mơ màng ước mong một ngày cũng như đêm nay các anh mang theo bóng cờ chiến thắng ánh trăng sẽ reo vui làm thơ. Ánh trăng chỉ là chất xúc tác cho thơ ca chứ trăng không hề biết làm thơ, trăng chỉ biết soi bóng cho con thuyền của chàng và nói thay lòng nàng, người con gái hậu phương ấy vẫn luôn đứng đợi đầu làng, đợi chàng chiến thắng để không còn sóng tách đôi nơi.
Hò hò khoan! Hò hò huệ! Say sưa chiến thắng về sau bao ngày mưa nắng. Hò hò khoan! Hò hò huệ! Đêm nay cờ lộng gió muôn câu hò ngân dài. Ơ này! Anh Hai, anh Ba! Thuyền anh lướt trên trăng ngà. Mà ơ này! Anh Tư, anh Năm! Dừng tay ghé thăm thôn này.
Ở những đoạn gần về cuối với từng nhịp điệu và ca từ của bài hát, không trầm lại mà càng dồn dập reo vang. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ như đưa người nghe về lại đêm trăng thanh bình nơi làng quê, cùng các anh lính và người dân hòa vào nhịp sống lao động hăng say. Cảnh vật và những câu hát câu hò vui tươi như vút cao lên chín tầng mây, rồi cùng trăng đưa đi xa trên mọi miền quê hương. Để nghe được những câu hò khoan chiến thắng sau bao ngày mưa nắng của cả lính và dân, để thấy cờ bay lộng gió tung bay, người và lính đã phải rất gian khổ mới có được. Và trăng lại một lần nữa được nhân cách hóa, trăng trở thành người bạn đồng hành soi sáng và ủng hộ cho cả hai đối tượng người và lính trong cuộc hành trình đi tìm hòa bình, mang bình yên về cho quê hương tổ quốc.
Đoạn cuối là những lời ca mang đậm chất Nam Bộ, tiếng hò khoan trên sông nước vẫn ca vang mỗi đêm trăng rụng, trăng của những đêm 15, 16 vừa đủ chín để rụng và đủ sáng để soi thuyền các anh về. Những lời vẫy gọi anh Hai, Ba, Tư, Năm… đầy thân mật của những người dân quê vẫn chân tình, thắm thiết tình quân dân.
Xuyên suốt bài hát ánh trăng được nhân cách hóa, trăng đại diện cho tình người hậu phương gửi về các anh lính chiến nơi tuyến đầu gian nguy. Trăng Rụng Xuống Cầu như một lời tri ân của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cho những công đầu trong công cuộc bảo vệ tổ quốc. Cả lính và dân đều mang trọng trách và nhiệm vụ riêng thiêng liêng, và trăng lúc này không phải là một hành tinh chiếu sáng mà là người bạn hiểu lính và dân. Với giai điệu và lời hát nhịp nhàng vui tươi Trăng Rụng Xuống Cầu của Hoàng Thi Thơ như tiếp thêm động lực cho cả lính và dân, ánh trăng trở thành nhịp cầu tri âm kết nối tất cả quang cảnh, con người thêm gần và gắn kết hơn… tạo nên bức tranh tuyệt đẹp và sống động.
Biên Soạn: Hà Anh