Ngày 31/5/2022, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc (hậu duệ các vua triều Nguyễn) ở Huế đã tổ chức tọa đàm khoa học “Công lao và những đóng góp quan trọng của vua Gia Long” nhân kỷ niệm 220 năm ngày vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn lên ngôi hoàng đế.
Theo báo Tuổi Trẻ đưa tin, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở trong và ngoài nước gửi tham luận tham gia đóng góp ý kiến.
PGS.TS Nguyễn Phước Bửu Namchủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộccho rằng cần có sự nhìn nhận một cách khách quan về những cống hiến của vua Gia Long trong dòng chảy lịch sử Việt Nam hiện nay và đề xuất việc đặt tên đường Gia Long ở TP Huế.
Xung quanh đề xuất này, theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóathông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, tên vua Gia Long xứng đáng được dùng để đặt cho tên của một con đường chính bề thế nằm trong hệ thống kinh thành Huế.
Ông Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóathể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết với 18 năm ở ngôi hoàng đế, vua Gia Long đã có những đóng góp to lớn cho lịch sử phát triển của đất nước và dân tộc, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh trong khu vực lúc bấy giờ.
Tại Sài Gòn, từ năm 1950, chính quyền Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại đã đặt tên đường mang tên Gia Long, trên cơ sở đổi tên đường Lagrandiere (sau 1975 đường Gia Long đổi thành được Lý Tự Trọng). Ngoài ra ngôi trường nữ sinh lớn nhất Sài Gòn cũng từng mang tên Gia Long.
Từ năm 1955 đến 1975, hầu như ở tất cả các thành phố lớn ở miền Nam đều có tên đường Gia Long. Có một điều đáng lưu ý, đó là dù vua Gia Long của nhà Nguyễn và vua Quang Trung của Tây Sơn là 2 thế lực đối lập, không đội trời chung, nhưng ở Sài Gòn có tên đường Gia Long thì cũng có đường tên Nguyễn Huệ ở đại lộ sầm uất nhất Sài Gòn.
Ở tỉnh Gia Định cũng có tên đường Gia Long và đường Quang Trung. Những khai quốc công thần của nhà Nguyễn và những tướng lĩnh Tây Sơn đều được tôn vinh bằng cách đặt tên đường ở nhiều đường phố xưa.
Sau 1975, vì quan điểm đánh giá vua Gia Long có nhiều tội, nặng nhất là cầu viện Xiêm La vào đánh Tây Sơn, sang Pháp cầu viện, cắt đất Trấn Ninh cho Lào, nên đa số các tên đường mang tên vua triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Thành Thái, và các tướng khai quốc công thần đều bị đổi tên.
Vua Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, thường gọi là Nguyễn Ánh, con thứ 3 của Nguyễn Phúc Côn (Nguyễn Phúc Luân), cháu nội của Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Lúc Nguyễn Phúc Côn bị loạn thần Trương Thúc Loan hại, Nguyễn Ánh mới 4 tuổi, được chúa Nguyễn Phúc Thuần đem vào nuôi trong cung. Năm 1774, quân chúa Trịnh chiếm Thuận Hóa (tên gọi dải đất miền Trung), Nguyễn Ánh chạy vô Quảng Nam rồi vào Gia Định ở với Nguyễn Phúc Thuần. Năm 1777, chú cháu Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Phúc Dương bị quây Tây Sơn hại, Nguyễn Ánh chạy thoát tới đảo Thổ Chu, sau đó về Long Xuyên tụ tập binh mã nhằm lấy lại Gia Định. Khi ấy ông mới 15 tuổi. Năm 17 tuổi, Nguyễn Ánh được phong làm đại nguyên súy Nhiếp quốc chính, năm 1780 lên ngôi Vương. Từ 1782-1786, chúa Nguyễn Ánh nhiều lần thua trận trước quân Tây Sơn, phải chạy ra Phú Quốc, sang Xiêm ở 3 năm. Tuy vậy, chúa Nguyễn Ánh không nản chí, lại được sự ủng hộ lớn của nhân dân vùng lục tỉnh, năm 1788 lấy lại được Gia Định, 2 năm sau lầy Bình Thuận, đến năm 1801 chiếm kinh đô Phú Xuân (nay là Huế) rồi lên ngôi vua Gia Long năm 1802. Năm 1804, vua Gia Long đặt quốc hiệu là Việt Nam. Đây là lần đầu tiên nước Việt có tên gọi này (Tuy nhiên đến 1839, vua Minh Mạng đổi quốc hiệu lại thành Đại Nam).
Việc ghi chép về tướng mạo, tính cách của các vị vua, các nhà chép sử đương thời phải tránh mạo phạm, nên có thể sẽ không có nhiều tài liệu phong phú, nếu có cũng thường là lời ca tụng công đức. Trong phần sau đây, xin giới thiệu những đoạn mô tả về vua Gia Long của những người ngoại quốc đã có dịp tiếp xúc.
Cuối thế kỷ 18, John Barrowmột nhà du hành, chính trị gia người Anhđến vùng biển Đà Nẵng. Ông đã ghi chép, tường thuật lại những điều trông thấy trong tập khảo luận về xứ Đàng TrongNam Hà (Cochinchina) như sau:
Người ta nói rằng Nguyễn Vương (vua Gia Long) thích dùng tên gọi của mình là Tướng quân hơn là tên gọi Quốc vương. Ông được mô tả là con người dũng cảm mà không liều lĩnh, có nhiều mưu lược mỗi khi cần phải vượt qua khó khăn. Những quan niệm của ông nhìn chung là đúng đắn, cách cư xử quyết đoán, ông không bao giờ nản chí trước khó khăn hoặc bị lạc hướng bởi những trở ngại. Ông thận trọng khi quyết định, khi đã quyết định rồi thì nhanh chóng và hăng hái thực hiện.
Trong trận đánh, ông luôn nổi trội. Cầm đầu đạo quân, ông tỏ ra hồ hởi và vui tính, lịch thiệp và quan tâm đến những sĩ quan dưới quyền chỉ huy của mình. Ông thận trọng tránh tỏ ra thiên vị cá nhân đối với bất kỳ ai so với những người khác. Trí nhớ của ông rất chính xác, đến mức người ta nói rằng ông thuộc tên phần lớn quân đội của mình. Ông cảm thấy vui thích khác thường khi trò chuyện với binh lính và khi nói về những câu chuyện mạo hiểm và những chiến tích của họ. Ông đặc biệt thích hỏi thăm về vợ con họ, xem con cái họ có đi học đều không, định thu xếp như thế nào khi chúng lớn lên, và tóm lại, quan tâm đến mọi thứ nhỏ nhặt liên quan đến gia đình họ.
Đối với những người ngoại quốc, vua cư xử rất niềm nở và nhã nhặn. Ông rất quan tâm đến những sĩ quan người Pháp phục vụ ông, đối xử với họ rất lịch thiệp, thân mật và dễ chịu. Trong tất cả các cuộc săn bắn dã ngoại và những cuộc vui khác, một trong số những sĩ quan kia đều được mời tham dự. Ông công khai tuyên bố rất kính trọng các giáo lý của đạo Cơ Đốc, khoan dung với tôn giáo này, và tất cả những tôn giáo khác trong vùng lãnh thổ của ông. Ông tuân thủ một cách rất cặn kẽ các châm ngôn về đạo hiếu đã được ghi trong các kinh sách của Khổng Tử, và bản thân ông cũng rất cung kính khiêm nhường trước mẹ của mình, như một đứa trẻ trước thầy giáo. Ông hiểu biết kỹ các tác phẩm của những tác giả Trung Hoa xuất sắc nhất, và qua nhiều đoạn của bộ bách khoa toàn thư mà giám mục Adran đã dịch sang chữ Hán cho ông, ông nắm vững được không ít kiến thức về kỹ thuật, khoa học châu Âu; trong đó ông đặc biệt lưu ý về những gì liên quan đến thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu.
Ông nắm vững kiến thức về thực hành cũng như về lý thuyết của kỹ thuật đóng tàu châu Âu, ông đã mua một chiếc tàu Bồ Đào Nha, với mục đích chỉ để tháo rời ra từng bộ phận, từng tấm ván một, rồi tự tay lắp vào một tấm ván mới có hình dáng và kích thước tương tự như cái cũ mà ông đã tháo ra, cho tới khi mọi thanh sàn tàu, xà ngang tàu, thanh gỗ khớp nối được thay thế bằng những cái mới, xem như con tàu đã thành mới hoàn hoàn.
Nghị lực tinh thần của ông cũng không kém phần mạnh mẽ so với năng lực hoạt động thể chất của ông. Thực vậy, vua Gia Long đã được coi như xung lực chủ yếu của mọi cuộc vận động xảy ra trong vương quốc. Ông là người quản đốc các cảng biển và các kho quân dụng, thợ cả trong các xưởng đóng tàu, kỹ sư trưởng trong mọi công trình, không có việc gì dự định thực hiện mà không có lời khuyên bảo và chỉ dẫn của ông. Trong việc đóng tàu, không có cái đinh nào được đóng mà không có sự tham vấn ban đầu của ông, không có một khẩu đại bác nào được đưa lên vị trí mà không có lệnh của ông. Không những ông đi vào từng chi tiết nhỏ nhặt nhất khi thảo ra những chỉ dẫn, mà chính bản thân ông thực tế còn trông nom khi chúng thực hiện.
Để làm được khối công việc khổng lồ đó, hãy xem thời gian biểu của vua:
Lúc 6 giờ sáng, vua trở dậy, đi tắm nước lạnh. Tới 7 giờ, vua tiếp các quan, tất cả những thư từ tấu biểu nhận được của ngày hôm trước đều được tuyên đọc, những mệnh lệnh của vua về các tấu biểu này được ghi chép tỉ mỉ. Sau đó ông đi đến các xưởng quân dụng hải quân, xem xét những công việc đã được thực hiện khi ông vắng mặt, cho thuyền chèo quanh các hải cảng, kiểm tra những chiến thuyền. Ông đặc biệt chú ý đến các sở quân cụ, các lò đúc được dựng lên trong các xưởng binh khí…
Vào khoảng 12 giờ trưa hoặc 1 giờ chiều, ông dùng bữa ngay ở xưởng đóng tàu, gồm có một ít cơm ăn với cá khô. Lúc 2 giờ chiều, vua lui về phòng mình và ngủ cho tới lúc 5 giờ. Khi đó vua lại trở dậy, hội kiến với các sĩ quan quân đội và hải quân, người cầm đầu các tòa án hay các công sở, tán thành, phản bác hoặc sửa chữa bất cứ đề nghị nào họ có thể đưa ra. Những quốc gia đại sự này thường làm ông mất thời gian chăm chú đến tận nửa đêm, sau đó ông lui về tư thất để ghi chú vào những tài liệu, báo cáo của những công việc ban ngày. Rồi ông ăn nhẹ, sum họp với gia quyến chừng một giờ đồng hồ và khoảng tới 2-3 giờ sáng ông đi nằm. Như vậy ông chỉ nghỉ ngơi khoảng 6 tiếng vào hai quãng thời gian trong vòng 24 giờ.
Ông không dùng rượu Tàu hay bất kỳ loại đồ uống có chất cồn nào, ăn rất ít thịt, một ít cá, cơm, rau quả, nước trà với bánh bột nhẹ là những đồ ăn uống chính hằng ngày. Giống như một con cháu dòng dõi Trung Hoa thực sự, ông luôn ăn uống một mình, không cho phép vợ hoặc bất kỳ một thành viên nào trong gia đình ngồi cùng bàn ăn với ông.
Vóc người của nhà vua cao hơn bình thường một chút, nét mặt cân đối và đáng mến, nước da đỏ hồng, rám sạm nhiều vì thường xuyên giãi dầu nắng gió.
Một người ngoại quốc khác có vinh hạnh nhiều lần tiếp kiến với vua Gia Long và đã viết sách kể khá tỉ mỉ, đó là sách Souvenirs du Huế (Kỷ niệm ở Huế) của Michel Đức Chaigneau xuất bản tại Pháp năm 1867.
Michel Đức là con trai của Jean-Baptiste Chaigneau (có tên Việt là Nguyễn Văn Thắng), người theo phò vua Gia Long từ lúc còn tranh đấu với nhà Tây Sơn và sau khi thành công, đã làm quan trong triều đình nhà Nguyễn đến tận năm 1824 mới về Pháp. Michel Đức có mẹ là người Việt, sinh tại Huế năm 1803, chỉ một năm sau khi vua Gia Long lên ngôi. Do cha làm võ quan, chức Chưởng cơ, tước Thắng Đức hầu, được nhà vua trọng dụng nên Michel Đức thường xuyên được theo cha vào cung và nhiều lần gặp gỡ vua Gia Long.
Về cơ bản, tính cách của vua Gia Long được Michel Đức ghi lại khá tương đồng với lời kể của John Barrow. Khi được tiếp kiến vua vào năm 1811, vua Gia Long 49 tuổi qua trí nhớ của cậu bé 8 tuổi Michel Đức như sau:
Vua Gia Long cao trên trung bình, thân thể cường tráng. Mái đầu bạc tôn quý của ngày cân đối với thân hình. Khuôn mặt đức vua thật uy nghi và thần thái, cho thấy một tấm lòng cao cả bao dung. Ngài có những cử chỉ thật trang nhã và tính cách thân thiện, nhất là trong những lần trao đổi thân tình thường nhật. Nhưng sự lanh lợi tự nhiên của ngài cũng có thể làm cho ngài từ thái độ nhân từ chuyển sang trạng thái tức giận tột cùng mỗi khi lệnh của ngài không được thi hành đúng như chỉ bảo. Vua có sắc da sáng, mắt tinh anh, râu hoàn toàn bạc trắng, có vẻ rậm hơn người bình thường ở xứ này. Mỗi bên má là một nốt ruồi đen, chung quanh là râu, tạo thành 2 lúm râu hai bên, điểm thêm cho chòm râu lớn nhưng tách biệt. Vua Gia Long là một người có nhiều trí tuệ và hoài bão. Do trải qua nhiều gian nan thử thách, ngài có được sự đúng đắn, chín chắn trong đánh giá người và việc. Ngài nắm rõ mọi ngóc ngách của hệ thống hành chính vương triều, hơn cả những vị thượng thư mà ngài nhiều lần đã bắt lỗi. Nhưng ngoài công việc phải trao đổi nghiêm túc ra, ngài là người vui tính nhất, dễ mến nhất của đất nước này: nhiều lúc, do ý thích và ở nơi thân tình, ngài đã thốt ra những lối nói bông đùa dân dã đến mức làm người nghe đỏ cả mặt.
Khi được cha dẫn đến gặp vua Michel Đức hành lễ: “Xin bái kiến hoàng thượng thiên tử, xin khấu đầu kính chúc hoàng thượng vạn tuế…”
Chưa kịp dứt lời thì vua cắt lời, cười vang: “Này, nhà người nói ta là thiên tử đấy ư, ai bày nói vậy, chắc không phải là cha ngươi rồi, ông ấy không bao giờ nói mấy điều xằng bậy vậy cả. Ta mà là con trời ấy à, haha”.
Michel Đức kể tiếp, lúc đó vua nhìn sang người cha rồi cả hai cùng cười sảng khoái. Vua nói tiếp: “Ta đã nói với tất cả những ai gọi là là con của ông trời rằng ta cũng có một người cha và một người mẹ…”
Nhà vua còn bông đùa rằng người cha cũng phải làm thế này và người mẹ cũng đã làm thế kia như bao nhiêu người khác để sinh ra người mình, rồi nói dông dài về cách người ta lưu truyền nòi giống làm cho cậu bé 8 tuổi ngớ người ra. Điều đó cho thấy rằng đằng sau vẻ nghiêm túc của một vị vua khi đứng trước các quần thần, thì lúc ở bên cạnh những người thân tín, vua cũng rất thích đùa cợt một cách thoải mái. Khi nói về những quý phi tuyệt sắc của mình, nhà vua còn hóm hỉnh khi nói chuyện với cha của Michel Đức: “Này ông Long (vua gọi cha của Michel Đức bằng tên Long), thật là khổ khi có quá nhiều người đẹp bên cạnh mà không thể tận hưởng tùy thích. Ông Trời thật thích trêu ngươi với những ông lão như chúng ta, cho phép ta ngắm cây tươi trái đẹp, nhưng chỉ cho ta sức lực vừa phải để với hái”.
Ngoài ra, cũng theo lời kể của Michel Đức, có một câu chuyện thú vị về cách mà vua Gia Long đối mặt với chốn tam cung lục viện, giải quyết những cuộc cãi vã và ganh ghét giữa vô số các cung tần của mình. Trong những lần trao đổi thân tình với một vị quan người Pháp, vua Gia Long thường nói việc trị quốc đối với ông dễ hơn và ít tốn công hơn là việc cai quản chốn cung cấm. Có một hôm trong một lần tiếp kiến riêng sau buổi ngự triều, vua nói: “Khanh nghĩ là ta đã hết việc khi giải quyết xong những gì đang đợi ta đàng kia (ngài chỉ tay về phía cung cấm), trong cung cấm khi ta rời khỏi đây. Ở đây bây giờ, ta cảm thấy thích thú khi trao đổi với những người hiểu biết, họ lắng nghe ta, hiểu ta, và nếu cần, thì nghe lời ta. Đàng kia (trong cung cấm), ta phải đối mặt với lũ đàn bà yêu quái, cãi cọ với nhau, đối xử tệ bạc, xâu xé nhau, rồi tất cả tới đòi ta phân xử công minh. Nếu ta mà xử đúng người đúng tội thì bọn họ không ai thoát tội hết, trong khi ta không biết chắc được ai trong bọn họ thua kém người kia về sự tàn độc”.
Sau một hồi im lặng, vua Gia Long nói tiếp: “Này, lát nữa đâu, ta sẽ bị vây quanh bởi một đám yêu nữ sẽ hét vào tai ta đến điếc cả tai (nói đến đây, vua giả giọng và cử chỉ của người phụ nữ đang điên tiết lên): “Muôn tâu bệ hạ, xin bệ hạ xét xử công minh cho, con mụ kia đã chửi thần thiếp…” hoặc là: “người ta đã đối xử tệ với hạ thần, muôn tâu bệ hạ, xin phân minh cho hạ thần”, rồi một tá yêu nữ khác lại đến kêu than: “Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ không còn sủng ái thần thiếp, bệ hạ đã chiếu cố kẻ khác, muôn tâu bệ hạ… xin đến lượt thần thiếp”.
Vị quan Pháp nghe vua kể đã không nhịn được cười, và gợi ý: “Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ có thể giảm lo âu phiền muộn bằng cách giảm đi số cung tần mỹ nữ…”
Nhà vua liền nói: “Suỵt, nói khẽ thôi, nói khẽ thôi”. Vua cho đám hầu cận lui ra rồi nỏi nhỏ: “Này ông, nếu như các quan lại đồng nghiệp của ông mà nghe được những lời ông vừa thốt ra thì ông sẽ là kẻ thù không đội trời chung với bọn họ. Nói nghe nè, gần như tất cả cung phi cung tần đều là con gái của các quan. Chẳng hạn mới đây có một vị đã đề nghị đưa con gái vào cung, ta đã lớn tuổi nhưng không thể từ chối được. Nếu từ chối thì ta sẽ làm ông ta không vui, vì ở xứ này đưa được con gái vào cung là một vinh dự, vừa tăng vị thế cho quan, còn ta thì đảm bảo được về sự trung thành của vị quan đó. Ta phải xử sự sao cho vừa lòng tất cả mọi người, nhất là các bà, vì các bà còn đáng sợ hơn cả phía các ông. Nếu như ta bỏ bê một trong các quý phi, thì ngay lập tức cô ấy sẽ than thở với cha của mình, rồi lão ta sẽ khéo léo đồn thổi cái gì đó để làm ta xấu mặt trước muôn dân”.