Về phương Nam lắng nghe cung đàn Thổn thức vọng dưới trăng mơ màng Rồi theo sông Cửu Long nhớ nhung dâng tràn Chợt thương con sáo bay xa bầy Sương khói buồn để lại lòng ai.
Con sáo sang sông, Sáo đã sổ lồng Bay về Bạc Liêu, con sáo bay theo phương người Bay về Trà Vinh, con sáo bay qua đời tôi.
Câu hát ngân nga, tiếng tơ giao hoà Cháy lên trong dạ muôn ngàn tâm sự Hát lên một lần, để một đời xa nhau sáo ơi!
Đàn thiên thu đứt dây tơ rồi Theo sóng vàng cát lỡ sông bồi Còn chi nữa, biển dâu đã bao đổi dời Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi Thương những đời như lục bình trôi.
Theo một số tài liệu thì ca khúc Điệu buồn phương Nam được nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho ra đời năm 1994, khi ông bắt gặp ánh trăng chiếu rọi trên dòng sông Cửu Long. Ông vận dụng ca dao Việt, ngũ cung của cải lương để tạo cảm giác gần gũi cho người nghe. Ca khúc được nhiều ca sĩ thể hiện nhưng giọng hát của Hương Lan được khán giả yêu thích nhất.
Người viết rất thích hai câu cuối của bài hát này : “Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi / Thương những đời như lục bình trôi”. Thật sự người dân ở miền Tây, nhất là ở khu vực dòng sông Cửu Long rất khổ cực, nhiều phận đời sống bọt bèo lênh đênh theo con nước. Miền Tây là vựa lúa của cả nước nhưng người trồng lúa muôn đời long đong, nhiều thanh niên ở miền Tây hiện cũng đã bỏ quê đi bôn ba qua các tỉnh miền đông nam bộ làm việc gần hết ….. Ngày xưa nhớ thập niên 1990 nhiều cô gái cũng vì hoàn cảnh gia đình mà phải nhắm mắt đưa thân làm vợ xứ Đài ….. đúng là : Còn chi nữa, biển dâu đã bao đổi dời !?
Phúc Ben.