Xuân đã đến rồi Reo rắc ngàn hồn hoa xuống đời Vui trong bình minh Muôn loài chim hát vang mọi nơi
Đẹp trong tiếng cười Cho kiếp người tình thương đắm đuối Ánh xuân đem vui với đời.
Kìa trong vạt nắng Mạch Xuân tràn dâng Khóm hoa nhẹ rung Môi cười thẹn thùng Cùng bao nguồn sống.
Bướm say duyên lành Thắm tô trời Xuân Bầy chim tung cánh Hát vui đón mừng mùa nắng tươi lan.
Ta nghe gió về Lòng thiết tha như muôn tiếng đàn Xuân dâng niềm vui Cho ngày xanh không hoen lời than
Sầu thương xoá mờ Tình yêu đời càng thêm chan chứa Khát khao Xuân tươi thái hoà.
Cùng đón chúa Xuân Đang giáng xuống trần Thế gian lắng nghe tình Xuân nồng Kiếp hoa hết phai đời hương phấn.
Nào ai hững hờ Xuân vẫn ngóng chờ Tới đây nắm tay cùng ca múa Hát lên đón Xuân của tuổi thơ.
Cuộc đời có nhiều mơ ước để chờ đợi. Tuy nhiên, có những thứ chờ mà không thấy, có những điều không đợi mà đến. Một trong những thứ người ta luôn mong đợi và luôn được tiếp đón là Mùa Xuân. Với Mùa Xuân, từ trẻ tới già, cả nam và nữ, kẻ buồn hoặc người vui, ai cũng chộn rộn và háo hức chờ đón Xuân về.
Mỗi người mỗi kiểu, mỗi người mỗi cảm giác riêng biệt. Với NS Phạm Đình Chương, ông cũng có cách “Đón Xuân” của riêng ông. Bài hát Đón Xuân này được ông cho ra đời vào khoảng năm 1952.
Ca khúc “Đón Xuân” được viết ở âm thể Trưởng, nhịp phách đơn giản nhưng vẫn khả dĩ chuyển tải niềm vui rộn rã và đầy màu sắc Mùa Xuân, ca từ diễn tả sự tích cực của cuộc sống.
Bằng cảm nhận tinh tế của người mang tâm hồn âm nhạc, ông thấy thế này: “Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời”, và ông thấy mọi thứ cũng tươi vui khác thường: “Vui trong bình minh, muôn loài chim hát vang mọi nơi, đẹp trong tiếng cười, cho kiếp người tình thương đắm đuối, ánh Xuân đem vui với đời”.
Mùa Xuân là mùa yêu thương, mùa vui mừng, mùa thảnh thơi, mùa hạnh phúc. Khi Tết đến, Xuân về, người ta cố gắng loại bỏ những điều phiền não để mong được vui trọn vẹn.
Tầm nhìn của ông khác người lắm, ông thấy mọi vật cũng đầy cảm xúc như con người vậy: “Kìa trong vạt nắng, mạch Xuân tràn dâng;, khóm hoa nhẹ rung, môi cười thẹn thùng cùng bao nguồn sống; bướm say duyên lành, thắm tô trời Xuân; bầy chim tung cánh, hót vui đón mừng mùa nắng tươi lan”.
Thực vật và động vật còn vui như vậy thì con người sao lại không vui cho được? Mọi vật biết vui hay do con người tưởng tượng và nhân cách hóa chúng? Có thể chúng cũng biết vui, và cũng có thể do con người nhân cách hóa chúng. Sao cũng được, không thành vấn đề, chỉ cần biết cả vật và người đều tưng bừng khi Xuân về. Thế thôi!
Chưa hết. Ông còn có thính giác cũng đặc biệt: “Ta nghe gió về, lòng thiết tha như muôn tiếng đàn”. Lạ thật! Tiếng gió mà như tiếng đàn. Tại sao? Vì “lỗ tai âm nhạc” vậy đó, và vì “Xuân dâng niềm vui, cho ngày xanh không hoen lời than”, vì Xuân đến để cho “sầu thương xóa mờ”, đồng thời để cho “tình yêu đời càng thêm chan chứa”, và ai cũng luôn “khát khao Xuân tươi thái hòa”.
Thái hòa là thái bình, là hòa bình. Không ai lại không khao khát nền hòa bình đích thực, đó là hòa bình từ trong tâm hồn, hòa bình trong xã hội, hòa bình khắp đất nước, hòa bình toàn thế giới.
Không dễ để có một thế giới đại đồng, nhưng ít ra cũng có những ngày Tết là những ngày hòa bình, ai cũng chung nhịp Xuân kỳ diệu: “Cùng đón chúa Xuân đang giáng xuống trần, thế gian lắng nghe tình Xuân nồng, kiếp hoa hết phai đời hương phấn”. NS Phạm Đình Chương kêu gọi mọi người: “Nào ai hững hờ, Xuân vẫn ngóng chờ, tới đây nắm tay cùng ca múa, hát lên đón Xuân của tuổi thơ”. Vui như Tết, mừng như Xuân, mọi người bỗng như hóa trẻ thơ hết: Cười xả láng.
Xuân tuyệt vời biết bao! Hãy cứ vui cho trọn Mùa Xuân, chuyện gì đến sẽ đến. Đừng lãng phí Mùa Xuân, đừng bỏ phí Tình Xuân, đừng đóng cửa lòng khi Tết đến, bạn nhé!
TRẦM THIÊN THU