Miền Nam đất đai màu mỡ, ruộng đồng tươi tốt, gạo trắng, nước trong. Thiên nhiên thoáng đãng, đêm trăng thơ mộng, lúa về đầy sân, trai gái hẹn hò trao duyên mới… chính vì thế âm nhạc Miền Nam không chỉ là một môn nghệ thuật của âm thanh, của giai điệu, của tiết tấu mà nó là nơi người nghệ sĩ truyền tải hình ảnh, tình cảm, tâm trạng đến với thính giả. Bằng cách riêng của mình Hoàng Thi Thơ nhạc sĩ chuyên trị dòng nhạc đồng quê luôn khéo léo đưa những hình ảnh dung dị và chân thật nhất vào âm nhạc. Và có lẽ chưa bao giờ âm nhạc khiến cho con người yêu nông thôn, yêu làng quê thanh bình êm ả đến thế.
Trong đêm trăng, tiếng chày khua ta hát vang trong đêm trường mênh mang Ai đang say chày buông rơi nghe tiếng vơi tiếng đầy Ai đang đi trên đường đê tai lắng nghe muôn câu hò đê mê Vô đây em dù trời khuya anh nhớ đưa em về
Muôn câu hò hò khoan đang mãi vang trong đêm dài Gái trai làng chiều hôm nay đang mãi say theo tiếng chày Đêm chơi vơi gạo cười tươi như chuyền hơi ấm ấm lòng người
Hò hô hò anh em giã trắng cối này Hò hô hò duyên ta mà ví đặng Hò hô hò sông dài long là cửu long
Muôn câu hò hò khoan đang mãi vang trong đêm dài Gái trai làng chiều hôm nay đang mãi say trong tiếng chày Đêm chơi vơi gạo cười tươi như chuyền hơi ấm ấm lòng người
Hò hô hò Em ơi gạo trắng như ngà Hò hô hò nuôi dân giết giặc Hò hô hò Nước nhà vinh là quang vinh
Ai xa xăm ai buồn chăng nghe hát vang muôn câu hò thênh thanh Chân băng ngang vào nơi đây chấp mối duyên lỡ làng Trong đêm thanh trăng tàn canh bao tiếng ca theo tiếng chày nhanh nhanh Dư âm xa còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà
Trong đêm thanh trăng tàn canh bao tiếng ca theo tiếng chày nhanh nhanh Dư âm xa còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà Còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà Còn vang mãi trong xóm nghèo làng ta.
Đấy là những ca từ trong bài hát “Gạo trắng trăng thanh” của Hoàng Thi Thơ một cái tên lớn, một nhạc sĩ chân chính đúng nghĩa, luôn lấy tình yêu quê hương làm chủ đề, dẫn chúng ta quay về với những truyền thống tốt đẹp, với lòng yêu thương quê hương, đất nước và yêu thương chính bản thân mình. Ông sinh đầu tháng 7, tháng của tình yêu và hiếu đạo, là con cháu một dòng họ khoa bảng có tiếng ở đất Quảng Trị. Ông sáng tác rất nhiều: tình ca đến nhạc quê hương, dân ca, nhạc thời trang, đoản khúc, trường ca, nhạc cảnh đến nhạc kịch. Mùa đông năm 1952, ông vào Sài Gòn sống và dạy sinh ngữ ở các trường tư thục. Theo nghề viết nhạc và hoạt động văn nghệ ông là người duy nhất được Bộ Thông tin và Tổng cục Chiến tranh Chính trị Việt Nam Cộng hòa đề cử thành lập và dẫn các đoàn văn nghệ Việt Nam sang Châu Âu trình diễn… Tháng 4 năm 1975, đoàn văn nghệ của ông đang lưu diễn ở Nhật Bản thì xảy ra sự kiện lịch sử ngày 30. Từ đó ông không thể trở về nước và định cư ở Hoa Kỳ. Sáng Chủ Nhật 23 tháng 9 năm 2001, ông qua đời một cách thanh bình tại nhà riêng ở Glendale, California trong khi chờ vợ làm một món ăn mà ông yêu thích. Ông được an táng tại vườn Vĩnh Cửu nghĩa trang Peek Family, Quận Cam. Cách ông ra đi cũng yên ả như âm nhạc của mình.
Hơn nửa thế kỷ qua đi, dòng nhạc của nhạc sĩ họ Hoàng đã in sâu vào lòng người, đã len lỏi đến khắp miền đất nước. Gạo Trắng Trăng Thanh viết năm 1956, vào ngày ấy nông nghiệp còn thô sơ. Lúa gặt về rồi phơi khô, khi cần gạo ăn, người ta phải giã bằng tay. Cối giã gạo được đẽo bằng đá, cối có dạng hình trụ, lòng cối được khoét sâu vào trong khối đá và mài nhẵn. Chày giã được làm bằng loại gỗ rắn chắc. Để giã gạo người ta sử dụng một bàn đạp, hoặc đặt cối ở gần nguồn nước chảy, và dùng sức nước để giã gạo. Tiếng chày giã gạo trong đêm trăng thanh bình bỗng trở thành một âm thanh thi vị, đầy sức sống “Ai đang say chày buông rơi nghe tiếng vơi tiếng đầy”. Ấy thế nên ngày mùa sau một ngày làm việc vất vả người ta chọn đêm trăng thanh bình để quây quần giã gạo. “Vô đây em dù trời khuya anh nhớ đưa em về” đấy là lời tỏ tình và lời mời khéo léo không sỗ sàng bởi lẽ việc giã gạo đòi hỏi sự kết hợp và nhịp nhàng, nó không còn là của riêng ai hay gia đình nào mà cả trai gái làng đều có trách nhiệm chung lao động chung.
Nếu giã gạo mà không có tiếng hò thì quả thật nó mất đi cái chất riêng và bản sắc của nó. Hò giã gạo là một hình thức sinh hoạt dân ca phổ rất biến ở nông thôn. Điệu hò đã dần trở thành một hình thức sinh hoạt văn nghệ “Muôn câu hò hò khoan đang mãi vang trong đêm dài” nó còn tượng trưng cho sự gắn kết và yêu thương “Đêm chơi vơi gạo cười tươi như chuyền hơi ấm ấm lòng người”. Sức hút của hò giã gạo đến từ sự gắn bó, giao lưu giữa người hò và người nghe.
Hò hô hò Em ơi gạo trắng như ngà Hò hô hò nuôi dân giết giặc Hò hô hò Nước nhà vinh là quang vinh
Đây là loại hình dân ca, có tiết tấu sôi nổi, cuốn hút, rất hấp dẫn với người hò cũng như người nghe. Trên một sân rộng, xung quanh là những cối giã gạo, người người quay quần nhưng có sự sắp xếp hẳn hoi và vô cùng linh hoạt. Tiếng chày lúc to lúc nhỏ, lúc nhanh lúc chậm nó làm cho mọi người quên đi cái mệt nhọc và cảm thấy vui vẻ. Hò khoan thì như kêu gọi thúc đẩy tạo động lực, hò đối đáp thì làm cho đầu óc vận động trí tuệ sáng tạo. Giã gạo trở thành công việc thiêng liêng, hạt gạo trắng ngần mới ý vị làm sao, nó giúp dân no ấm, “nuôi dân giết giặc”… Việc lao động lúc này là việc chung và chân chính nó tạo ra lương thực làm cho nước nhà phát triển đó là quang vinh. Cũng chính từ đây “Ai xa xăm ai buồn chăng” ai có buồn, có vui, ai duyên lỡ làng…thì hãy vào đây, trong đêm trăng này chúng ta cùng giã gạo cùng ca hát và quên hết mọi buồn đau riêng vì nỗi lo chung.
Trong âm nhạc của Hoàng Thi Thơ chúng ta sẽ thấy rằng nó không cụ thể từ một làn điệu dân ca nào, không hạn hẹp trong tình yêu đôi lứa mà ở trong nhiều trạng thái tình cảm khác nhau. Trong một bối cảnh thiên nhiên riêng biệt, cánh đồng lúa bao la, những nhịp cầu tre lắc lẻo đông đưa, những đêm trăng sáng, với những câu hò, điệu lý… đượm tình dân tộc. Mặc dù hiểu biết rộng kiến thức âm nhạc cổ điển phương Tây nhưng ở đây yếu tố nhạc cổ truyền được đề cao, lời ca mộc mạc, lại khéo léo nhấn nhá âm và gieo vần chuẩn xác. Kèm theo là tiếng láy, tiếng đệm, cách pha trộn màu sắc mà âm hưởng tươi vui làm cho tổng quan bài hát không những hấp dẫn mà còn dễ nghe dễ thuộc dễ đi vào lòng người. Trong bối cảnh này, tôi bỗng nhận ra rằng “Gạo trắng trăng thanh” này dễ thương đến lạ lùng.
Hà Anh