Những người con của vùng đất miền Tây Nam Bộ ít nhất một lần trong đời đều được nghe lời ru của mẹ hoặc của bà trước khi chìm vào giấc ngủ tuổi thơ. Những câu hát dân gian mang làn điệu êm đềm, ngọt ngào đậm nét dân dã đã thấm nhuần vào mỗi người miền Tây. Vùng đất phương Nam là một nơi mà chỉ nhắc đến tên thôi cũng thấy thân thương, nếu ai đã từng một lần ghé thăm sẽ không thể nào quên được, từ con người chất phác thật thà, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, tới những âm điệu đa dạng phong phú, nó là cái nôi của những câu vọng cổ, hay những câu đờn ca tài tử cải lương. Vùng đất ấy với những địa danh nổi tiếng là nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao nhạc sĩ, trong đó có nhạc sĩ Phan Ni Tấn ông đã sáng tác ca khúc “Lý Con Sáo Bạc Liêu” trong một lần rong rủi cùng bạn thăm thú miền Tây.
Tác giả Phan Ni Tấn sinh 1948 tại Cần Giuộc nhưng lại lớn lên ở Ban Mê Thuột, cha ông là một nhạc công cổ nhạc gốc Long An, mẹ là người Huế. Ông là một người rất thích rày đây mai đó, những tác phẩm của ông hầu như đều lấy cảm hứng từ những chuyến phiêu lưu của ông.
Vào một mùa hè năm 1969 ông và một người bạn cùng xứ đi Honda từ Sài Gòn qua ngõ Nhà Bè chạy dọc qua từng địa danh quê nhà Cần Giuộc, Cần Đước, rồi Gò Công, Bạc Liêu … Khi chạy ngang Bạc Liêu, ghé qua cánh đồng muối thấy người dân ở đây gánh muối mà thương, rồi chợt nhớ tới ông Cao Văn Lầu, nhớ Công Tử Bạc Liêu… Khi ngủ qua đêm trong nhà bạn gần chợ Dinh Gò Công, nửa đêm nghe tiếng heo kêu ụt ịt đòi ăn sau hè nhà, không hiểu sao lại cắc cớ nhớ con sáo. Cứ vậy, gần sáng thì cũng gần xong điệu nhạc cho con sáo xổ lồng. Mãi sau này ông mới viết ra bản Lý Con Sáo Bạc Liêu để nhớ cái ngày chạy băng qua cánh đồng muối Bạc Liêu.
Khác với những điệu Lý vui tươi phấn khởi khác, ca khúc “ Lý Con Sáo Bạc Liêu” được tác giả đưa điệu Nam Ai của Vọng Cổ vào, cái âm hưởng đã thấm vào tâm hồn tác giả khi nghe cha đờn từ lúc còn nhỏ.
Rồi thì sáo cũng sang sông Bỏ trong dĩ vãng tấm lòng mồ côi Bạc Liêu cùng với qua mùi Nhớ thương em bậu khóc mùi một phen.
À ơi ới à a à a ơi Trời mưa lâm râm ướt dầm bông soái Bậu đi lấy chồng sao chẳng nói qua hay! Trách chi câu thề khi nào cậu quay nó á quay.
Thì qua với bậu mới đứt dây cang thường Mà nay con sáo sang sông Sáo sang sông rộng theo người dưng về xứ xa
Rồi thì sáo cũng bay xa Bỏ trên bến nước tiếng ca buồn hiu Vàng trôi chẳng tiếc chi nhiều Tiếc thương em bậu chín chiều ruột đau
À ơi ới à a à a ơi Trời mưa lâm râm ướt dầm bông soái Bậu đi lấy chồng sao chẳng nói qua hay! Gió đưa con sâu lên bờ bù non bù nước khóc than
Vì chân lẻ bạn mới ốm o cung đàn Tình bậu không muốn mang Gió lay bông tràm đêm nằm nghe sầu thắt gan
Ai đưa cái kìa con sáo nó sang sông Ðể cho cái kìa con sáo xổ lồng bay xa
Với giai điệu Nam Ai buồn thương, nỉ non, bài hát như lời bày tỏ tâm tư của chàng trai thất tình ở chốn làng quê, khi người con gái mình yêu đã theo chồng về xứ khác. Một lời trách cứ phảng phất chút bi thương.
Trong ca khúc sử dụng cách xưng hô Việt hóa xa xưa “QuaBậu” thể hiện tình cảm thân thiết của hai nhân vật.Ta có thể hiểu nhân vật trong ca khúc từ nhỏ lớn lên cùng nhau, và có cùng niềm đam mê với cung đàn điệu nhạc, hai người thương nhau với lời hứa sẽ đi cùng nhau đến suốt cuộc đời. Chàng cố gắng dùng lời ca tiếng nhạc kiếm tiền để lo lắng cuộc sống hai người, mà vô tình bỏ quên không quan tâm đến nàng. Rồi đến một ngày nàng gặp người trai xứ khác, nghe những lời ong bướm của người ta nàng đã quên lời hứa, tình yêu của chàng “Bỏ trong dĩ vãng tấm lòng mồ côi”, quyết định theo chồng về xứ lạ. Ngày nàng đi theo chồng chàng mới ngỡ ngàng biết được, chàng đau lòng chết lặng đứng trong mưa khóc than “Trời mưa lâm râm ướt dầm bông soái”, với câu trách nghe sao não lòng “Bậu đi lấy chồng sao chẳng nói qua hay”. Nàng ra đi vui quầy bên duyên mới để chàng lại đây với bao nỗi sầu thương nhớ mong “đêm nằm nghe sầu thắt gan” “ốm o cung đàn” “tiếng ca buồn hiu”, quê hương nơi hai người cùng lớn lên, như hiểu cho nỗi lòng của chàng cũng khóc thương cùng chàng “Bạc Liêu cùng với qua mùi” . Chàng chợt nhận ra, dù chàng có bao nhiêu vàng bạc cũng không thể nào sánh được khi có nàng bên cạnh “Vàng trôi chẳng tiếc chi nhiều/ Tiếc thương em bậu chín chiều ruột đau”. Câu cuối bài hát là câu ca dao hay thấy ở một số bài điệu Lý Con Sáo, đó là lời than thở oán trách đầy tuyệt vọng về mối tình đau khổ “Ai đưa cái kìa con sáo nó sang sông/Ðể cho cái kìa con sáo xổ lòng bay xa”.
Ngoài ra bài hát còn sử dụng những hư từ “À ơi ới à a à a ơi” tuy vô nghĩa nhưng lại rất cần thiết cho bài hát, tiếng ca ngâm khi thì tình tứ thiết tha, khi thì buồn thảm đến não nùng, nó như chạm tới đáy lòng người nghe.
Bài hát sử dụng hình ảnh chim sáo quen thuộc, để tái hiện lại cảnh miền quê Bạc Liêu đất lành chim đậu bạc ngàn, nhưng thấm đậm nghĩa tình người dân Nam Bộ, vì chim sáo gần gũi với người nông dân, với cảnh thanh bần nơi chốn quê mùa, và cũng có thể vì loài chim này có thể nói được tiếng người, nên có thể nói nó gắn bó sâu sắc đến đời sống tinh thần của các gia đình nông thôn.
Bài hát “ Lý Con Sáo Bạc Liêu” nổi tiếng qua giọng ca da diết, mà mộc mạc của nữ ca sĩ Phi Nhung, giọng ca của cô đã làm sống lại khung cảnh miền quê sông nước, với âm điệu của đàn ca tài tử ở Bạc Liêu, với tình QuaBậu nghe mà như xoáy vào tim người nghe đến tê tái cõi lòng. Đây chỉ là một bài Lý Con Sáo với mô tuýp bi kịch nhẹ nhàng nhưng câu chuyện đó lại là nguồn cảm hứng phổ biến trong văn hóa dân gian. Và đó là một trong những lí do quan trọng khiến điệu Lý Con Sáo ra đời, lưu truyền, nhân bản và phổ biến rộng rãi khắp mọi miền, sự lan tỏa và khuếch đại này chúng ta nên trân trọng, giữ gìn và phát huy.
Sakura. * Ảnh bìa của Hà Anh.