Sớm muộn tôi cũng về Về để chia vui với quê hương Ngày hoa đăng tưng bừng phố xá Lũ lượt người vung tay reo hò.
Sớm muộn tôi cũng về Về để quên năm tháng phiêu lưu Và quên đêm mưa nằm gối súng Để được trọn gần người đêm vui.
Ta cứ đi cứ đi dù ngoài kia bão táp phong ba Xin cúi mặt đưa chân người đã khuất Ta vỗ tay vỗ tay mừng ngày vui đất nước hôm nay Kia vẫn người lớp lớp vươn lên.
Sớm muộn tôi cũng về Về để thương thêm lũ em thơ Quà đơn sơ tôi chọn nón lá Để tặng người tôi quen bên nhà.
Sớm muộn tôi cũng về Về đốt tre đan lá phơi khô Mùa đông sang không lành vết tích Để tìm lại một mùa xuân vui.
Tôi đã yêu đã yêu một người con gái tóc ngang vai Đôi mắt buồn ưu tư buồn mãi mãi Như vẫn yêu vẫn yêu đồng ruộng xanh bát ngát chân mây Yêu mái nhà dưới lũy tre xanh
Sớm muộn tôi cũng về Về để xem khu phố vươn cao “Cà-phê Duyên” mơ mộng vẫn nhớ Dáng nàng “Kiều” xinh xinh nho nhỏ
Sớm muộn tôi cũng về Dù biết em nay đã sang sông Hãy quên đi em chuyện dĩ vãng Để được trọn tình người trăm năm
Em cứ vui cứ vui. Đợi chờ anh sẽ phí xuân xanh Ôi những ngày gian truân vì đất nước Em hãy quên hãy quên mặc đời anh với kiếp bôn ba Thương những người vẫn khóc trong mưa
Sớm muộn tôi cũng về Về để nghe tiên nữ ru ca Bài ca đêm trăng rằm thánh thót Với nhịp hò khoan khoan chân thành
Sớm muộn tôi cũng về Bằng chuyến xe đi giữa ba quân Ngày vinh quang dân tộc rước đuốc Sáng lồng lộng nhà Việt Nam tôi.
“Sớm muộn tôi cũng về” là một sáng tác của nhạc sĩ Ngân Giang, một người con đất Bắc vào Nam trong hoàn cảnh đất nước còn bị chia cắt bởi hiệp định Geneve. Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết với mục đích chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tác giả viết bài hát để nói lên ước muốn được trở về, cùng với ước vọng chung của bao con người xa nhà vì nghĩa lớn về một tương lai tươi đẹp và nó được tô vẽ như một bức tranh bằng những hình ảnh hết sức mộc mạc và đơn sơ gắng bó với con người Việt Nam.
Xuyên suốt bài hát tác giả đã sử dụng câu: “Sớm muộn tôi cũng về” rất nhiều lần nhằm để khẳng định thắng lợi của cuộc chiến tranh rồi sẽ kết thúc và tôi cũng sẽ về. Với dụng ý dùng phép lặp nguyên câu thì người nghe mường tượng rằng ngày về không còn xa nữa. Bên cạnh đó những hình ảnh giữa quá khứ, hiện tại và tương lai đang xen nhau được tác giả nhắc lại và gợi lên vô cùng sắc nét.
Đầu bài hát là nguyên nhân và cũng là lý do để trở về của tác giả “Sớm muộn tôi cũng về/ Về để chia vui với quê hương/ Ngày hoa đăng tưng bừng phố xá/ Lũ lượt người vung tay reo hò”. Ngày về là ngày vui cùng quê hương, ngày cả nước cùng chung niềm hân hoan chào đón những người con ra đi vì nghĩa lớn chiến thắng trở về qua hình ảnh rộn ràng dòng người reo hò, phố xá thì tưng bừng hoa đăng.
Để có ngày trở về là có biết bao sự đánh đổi, hy sinh của những người con anh dũng đã cam chịu “đầu sóng ngọn gió” trực tiếp đương đầu với những khó khăn, nguy hiểm. Khi được sống trong yên bình ai cũng sẽ muốn quên đi những ngày tháng gian nan ấy: “Về để quên năm tháng phiêu lưu/ Và quên đêm mưa nằm gối súng/ Để được trọn gần người đêm vui”. Hòa bình của dân tộc ta là sự hi sinh của biết bao người con anh dũng đã nằm xuống “Xin cúi mặt đưa chân người đã khuất” nhưng người đồng hành vẫn phải tiến lên phía trước “Ta cứ đi cứ đi ngoài kia bão táp phong ba/… Ta vỗ tay vỗ tay mừng ngày vui đất nước hôm nay/ Kia vẫn người lớp lớp vươn lên”. Sự anh dũng không ngại khó khăn, gian khổ thậm chí là tính mạng để đổi lại hòa bình cho dân tộc, là tấm gương để cho lớp người sau tiếp tục sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ đất nước.
Liên tiếp trong bài hát tác giả không ngừng nói lên mong muốn sẽ làm khi được trở về. Về để thương lũ em thơ, để tặng món quà cho người quen qua câu: “Về để thương thêm lũ em thơ/ Quà đơn sơ tôi chọn nón lá/ Để tặng người tôi quen bên nhà”. Hay hình ảnh “Về đốt tre đan lá phơi khô/ Mùa đông sang không lành vết tích”. Khi tác giả làm tròn trách nhiệm với đất nước thì ông muốn trở về để làm tròn trách nhiệm của một người anh lớn với các em nhỏ trong gia đình, tặng một món quà cho người bạn năm xưa hay sửa sang lại căn nhà để niềm vui được trọn vẹn và “Để tìm lại một mùa xuân vui”.
“Tôi đã yêu đã yêu một người con gái tóc ngang vai/ Đôi mắt buồn ưu tư buồn mãi mãi/ Như vẫn yêu vẫn yêu đồng ruộng xanh bát ngát chân mây/ Yêu mái nhà dưới lũy tre xanh”. Đến đây tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh để nói về tình yêu riêng tư của mình trong thời gian trước khi ông ra đi vì đất nước. Tác giả muốn nói lên tình yêu sâu đậm của mình với người con gái tóc ngang vai ấy sánh ngang với tình yêu ruộng đồng bát ngát và máy nhà dưới lũy tre. Tình yêu với người con gái ông yêu cũng lớn như tình yêu của ông đối với gia đình và đất nước vậy. Nhưng tình yêu ấy của ông lại: “Dù biết em nay đã sang sông/ Hãy quên đi em chuyện dĩ vãng/ Để được trọn tình người trăm năm”. Dẫu tình yêu của ông với người con gái kia rất sâu đậm nhưng ông vẫn đặt tình yêu cá nhân của mình sau tình yêu đối với đất nước. Mong người mình yêu được hạnh phúc và quên mình đi đừng đợi chờ mình vì còn gánh vác việc lớn trên vai. Chính vì tình yêu dang dở không thành đó đã là sự hối tiếc đối với ông: “Đôi mắt buồn ưu tư buồn mãi mãi”.
Giản đơn hơn, tác giả trở về chỉ để xem sự thay đổi của quê nhà mình, những nơi ông từng gắng bó hay những người đã từng quen qua hình ảnh: khu phố, quán cà phê Duyên, dáng nàng Kiều. Cho đến tìm lại sự bình yên, đơn sơ qua chi tiết các thôn nữ ru ca, hát hò mà ta chỉ nhìn thấy được trong cuộc sống, sinh hoạt thường nhật hay tăng gia sản xuất.
“Sớm muộn tôi cũng về/ Bằng chuyến xe đi giữa ba quân/ Ngày vinh quan dân tộc rước đuốc/ Sáng lồng lộng nhà Việt Nam tôi”. Lời kết của bài hát cũng là lời khẳng định chắc chắn cho sự thắng lợi trong cuộc chiến tranh của dân tộc và cũng là lời khẳng định ông nhất định sẽ về. Tác giả đã vẽ lên một bức tranh không còn gì đẹp hơn trong ngày hạnh phúc vinh vang của khi trở về trong sự trào đón của toàn thể dân tộc trên chuyến xe đi giữa ba quân, rước đuốc và nhà Việt Nam tôi sáng lồng lộng.
Qua bài hát “Sớm muộn tôi cũng về” tác giả Ngân Giang đã truyền tải được tình cảm, ước muốn của mình đối với quê nhà cũng như tình yêu với đất nước, khẳng định của ông cũng là niềm tin chiến đấu, chiến thắng mãnh liệt, những điều rất đơn giản nhưng đầy tình thương của một dân tộc đau thương.
Hương Giang.