Vì Thương “Người Đầu Gió” … nên mới có “Tình Người Đầu Non”

0
2

Vì Thương “Người Đầu Gió” … nên mới có “Tình Người Đầu Non” là chia sẻ của nhạc sĩ Hàn Châu với dòng nhạc vàng  về hai bài nhạc lính nổi tiếng của ông. Người Đầu Gió và Tình Người Đầu Non là hai nhạc phẩm đầy cảm xúc nói về những tâm tư của người lính sa trường. Từng lời ca và điệu nhạc như đưa người nghe về lại những khu rừng hoang, nơi có nỗi buồn của người lính chiến phải rời phố phường, xa quê hương dấn thân vào những trận chiến địa hiểm nguy ngày ngày đối diện quân thù… và có cả niềm tin vào chiến thắng.

Tờ nhạc “Người Đầu Gió” và “Tình Người Đầu Non”  trước 1975

Nội dung bài hát Người Đầu Gió viết về tâm tình của những người lính chiến ở vùng địa đầu giới tuyến. Thật ra nhạc sĩ Hàn Châu tâm sự rằng ông đã từng đi lính, nhưng chỉ là lính địa phương quân ở Sài Gòn, chưa hề hành quân ra khỏi Thủ Đô. Còn bài hát này là khi những người bạn lính chiến của ông từ những tiền đồn ở cao nguyên vùng 2 chiến thuật về phép ghé thăm ông. Khi nghe những câu chuyện họ kể lại, từ những sinh hoạt đầy thiếu thốn ở những nơi đóng quân ngoài tiền đồn xa vắng, đánh giặc giữ gìn bờ cõi quê hương, và phải chịu biết bao gian nan khổ cực. Nhạc sĩ Hàn Châu đã cảm tác và viết lên ca khúc này.

Trích lời bài hát Người Đầu Gió:

Những chiều mưa đầu núi, Hồn dâng lên nhung nhớ, Kỷ niệm trong gót giày, Còn in trên đá sỏi buồn phiền.

Tiếp nối tháng ngày mang niềm ước muốn đi xa, Nghe tuổi thơ trải dài trên cồn đá.

Có lần xa rừng núi, về rong chơi đây đó, Phố nhỏ vang tiếng cười. Và giai nhân vẫn đẹp rạng ngời. Ta đưa mắt nhìn ta lòng bỗng thấy bâng khuâng, Khi mình nay đã là anh lính rừng.

Nên trở về ru giấc ngủ, Để quên đi hai mươi tuổi đời, Không biết vui, không biết say cùng nhân thế, cùng người.

Tôi về nơi đồn vắng, tìm vùi trong sương gió, Đánh giặc quên tháng ngày, Dù gian nan khắp nẻo đường dài. Tôi xin trả lại ai đường phố trắng xa hoa, Xin được vui với niềm vui lính rừng.

Những lời tâm tình của lính trên tờ nhạc trước 1975

Mở đầu bài hát mở ra khung cảnh đượm buồn của những chiều mưa đầu núi, gợi lên trong lòng người lính một nỗi nhớ nhung khôn nguôi về những kỷ niệm ngày xưa. Anh là người đầu gió đối diện với bao hiểm nguy và gian truân nhưng cái khó nhất là đối diện với chính mình. Cả bài hát như cuộc đấu tranh tư tưởng của chính anh, cuộc đời lính quá gian lao nên anh mơ về những ngày rời xa rừng núi về rong chơi đây đó, có người yêu bé nhỏ đẹp rạng ngời bâng khuâng sánh đôi. Rồi bất chợt nhớ mình nay đã là lính nên trở về thực tại để quên đi những ngày tươi đẹp nhất mà tuổi hai mươi vốn nên có… Ta là lính không biết vui, không biết say cùng người, ta là bạn của sương gió và đánh giặc quên tháng ngày. Dù gian truân khắp nẻo đường dài, cho dù là trong mơ người lính vẫn không nghĩ cho niềm vui riêng, xin trả lại những phố phường xa hoa cho người, xin được vui với niềm vui của lính. Nghe đến đây bỗng thương lính, và vì thương lính nên nhạc sĩ Hàn Châu sáng tác Tình Người Đầu Non.

Nói về tác phẩm Tình Người Đầu Non này, thì tác giả nhạc sĩ Hàn Châu giải thích với người viết rằng, đây có thể coi như là phần 2 của bài hát Người Đầu Gió. “Vì thương Người Đầu Gió … nên mới có Tình Người Đầu Non”.Ông giải thích như vậy với tôi.

Ông cũng nói thêm rằng, những địa danh trong bài hát như Ben Hec, Hạ Lào, …. Ông đều chưa hề đặt chân tới, ông chỉ là lính địa phương quân ở Phú Lâm mà thôi. Nhưng thời đó thì bạn bè của Ông đi lính khá nhiều, khi có dịp về Thành Phố nghỉ phép có gặp Ông kể chuyện đi hành quân. Người ở tuyến đầu, người ở tiền đồn xa hằng đêm nhìn hỏa châu gác giặt gìn giữ yên bình cho thủ đô thân yêu. Theo họ nghĩ lúc đó, thì đời lính chiến không có tương lai, cũng vì không có tương lai nên những cô gái người yêu xa “đâu thể chờ người tình xa vạn thuở”…. hầu như sau đó đều là những mối tình buồn cho thân phận những người lính xa nhà ….. thấu hiểu cho tâm trạng của những người bạn mình, nhạc sĩ Hàn Châu đã sáng tác ca khúc Tình Người Đầu Non.

Trích lời bài hát Tình Người Đầu Non:

Đời anh như tàu xa bến vắng lênh đênh qua khắp nẻo đường dọc ngang Nay anh chấn tiền đồn Ben Hec ngày mai anh băng rừng qua hạ Lào Nghìn đêm trong chiến hào anh đối diện cùng hỏa châu

Làm sao anh dìu em đi phố, đưa em qua khắp nẻo đường tình yêu Năm xưa gió lạnh đầy vai áo mà anh đâu thấy lạnh đi vào hồn Vì trên con phố nhỏ anh vẫn còn vui với em

Hôm nay đã quá xa rồi em đâu thể chờ người tình xa vạn thuở Vì tình yêu như cánh chuồn chuồn khi vui nó đậu khi buồn thì nó bay

Lòng anh không hờn không nuối tiếc Yêu em anh chẳng ngại đời nhà binh Vai mang súng trận đầu nón sắt thì anh đâu dám bảo em đợi chờ Vì tương lai anh nào đâu có gì em ước mơ …

Những lời tâm tình của lính trên tờ nhạc trước 1975

Những giai điệu và ca từ của Người Đầu Gió có vẽ mãnh liệt và quyết đoán hơn, cuộc đời người lính được diễn tả một cách chân thật nhất. Đời các anh là những con tàu xa bến, lênh đênh và dọc ngang, có thể hôm nay anh chấn tiền đồn Ben hec thì mai anh lại băng rừng qua hạ Lào (Trận hạ Lào vào 1971 cùng năm sáng tác Người Đầu Gió). Những ánh hỏa châu quen thuộc trong các sáng tác của nhạc sĩ Hàn Châu lại xuất hiện một cách đúng lúc, một lần nữa làm rõ thêm về tâm tư của lính với những đêm trong chiến hào ôm đầu súng nhìn hỏa châu rơi. Làm sao anh có thể dìu em đi phố đưa em qua các nẻo đường tình yêu, những cơn gió lạnh năm xưa đâu có là gì vì bên anh luôn ấm áp bởi luôn có em bên cạnh. Đời anh đã chọn con đường nhà binh, vai anh mang súng trận đầu đội nón sắt, sống và chết cận kề thì anh làm sao có thể bắt em chờ, và em cũng không thể chờ một người xa vạn thuở bởi tình yêu đến rồi đi như những cánh chuồn chuồn..

Cuộc đời lính là thế, mãi là người đầu non và người đầu gió… hứng chịu những mất mát và gian truân nhất. Những người đầu tuyến ấy luôn nghĩ cho tổ quốc và những người thân yêu, gác lại những niềm vui riêng có chăng chỉ những giây phút mơ về thành đô và người yêu để vơi muộn phiền. Nhưng giấc mơ ấy chỉ là thoáng qua những giây phút mơ riêng, rồi lại trở về thực tại gác bỏ hưởng lạc cá nhân mà tiếp bước con đường sỏi đá băng mình qua các vùng chiến địa để bảo vệ quốc gia. Nghe lại Người Đầu Gió và Tình Người Đầu Non lại càng thấy thương những người lính VNCH anh dũng và kiêu hùng ngày nào…

Biên Soạn: Hai Tứ 1964

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận