Thanh Sơn (1/5/1938 – 4/4/2012) là một nhạc sĩ được biết đến từ thập niên 1960 với những ca khúc trữ tình nói về tuổi học trò như: Nỗi Buồn Hoa Phượng, Lưu Bút Ngày Xanh, Hạ Buồn, Thương Ca Mùa Hạ… Khoảng thời gian sau biến cố 1975 ông ngưng sáng tác, đến từ thập niên 1990 ông mới sáng tác trở lại. Những ca khúc mới sau này lại mang âm hưởng dân ca chủ đề miền Tây Nam Bộ, nhiều bài hát trong giai đoạn này trở nên thịnh hành tới ngày nay như: Hình Bóng Quê Nhà, Hành Trình Trên Đất Phù Sa, Hoài cổ…
Click vào hình để nghe Hương Lan hát Hoài Cổ của nhạc sĩ Thanh Sơn
Hoài Cổ là ca khúc được nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác sau những năm 1975. Nhiều ca sĩ hát ca khúc này với tựa đề khác là Bạc Liêu Hoài Cổ nhưng Hoài Cổ mới là tên gốc của nhạc phẩm. Hoài Cổ là bài hát được viết, để hát bằng giọng Nam bộ, với những giai điệu đặc trưng của các nhạc cụ cổ điển rất quen thuộc với người miền Nam… Ngoài ra trong Hoài Cổ nhạc sĩ Thanh Sơn cũng mang những đặc sản, đem những địa danh, những giai thoại có thật của miền đất Bạc Liêu danh tiếng như là một cách quảng bá hình ảnh miền quê Nam Bộ.
Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu Như sống lại hồn Cao Văn Lầu Về Bạc Liêu danh tiếng ôn lại giấc ngủ vàng son Một thời để nhớ ngày đó xa rồi.
Bạc Liêu là cái nôi của vọng cổ, với bài ca đầu tiên của ông 6 Lầu hay còn gọi là Cao Văn Lầu có tên là Dạ Cổ Hoài Lang. Bài vọng cổ với lối ca của Đờn Ca Tài Tử đã mở đường cho nghệ thuật sân khấu cải lương sau này. Ngoài ra Bạc Liêu còn nổi tiếng với các Công Tử Bạc Liêu, nổi bật nhất trong số này là Trần Trinh Huy, còn có tên khác là Ba Huy, hay Hắc công tử, là một tay chơi nổi tiếng số 1 ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940. Người ta kể rằng để chứng tỏ mình giàu hơn Bạch Công Tử (một tay nhà giàu khác ở Mỹ Tho), trong một bữa tiệc Hắc công tử đã dùng một bao tiền giấy với mệnh giá 100 đồng (mệnh giá đó có thể mua được 2 lượng vàng thời bấy giờ) để thay than củi đun sôi một nồi nước Cù Lao. Bạc Liêu một vùng đất gần cuối Việt Nam với ruộng đồng cò bay thẳng cánh, ngoài những giai tích còn có nhiều điều hấp dẫn khác được nhạc sĩ Thanh Sơn miêu tả bằng thanh và mỹ nhạc. Đưa người nghe về lại lại Bạc Liêu danh tiếng để cùng nhau ôn lại những giấc ngủ vàng son một thời để nhớ một thời trong tiếng lòng người Phương Nam.
Nhà Công tử Bạc Liêu có kiến trúc Tây Âu sang trọng, Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1917 đến năm 1919 thì hoàn thành. Đến nay, những giá trị kiến trúc, nghệ thuật tại dinh thự của cậu Ba Huy, không những không bị “lạc hậu” so với thời thế mà trái lại, càng trở nên quý giá và được đánh giá cao.
Click vào hình để nghe Phi Nhung hát Hoài Cổ của nhạc sĩ Thanh Sơn
Bên nước mặn biển cho muối nhiều Bên nước ngọt phù sa vun bồi Bạc Liêu đưa ta tới thăm cánh đồng lúa trải ngàn khơi Cò baу thẳng cánh nhìn mỏi mắt người
Chỉ hai câu ngắn gọn nhạc sĩ Thanh Sơn đã diễn tả một Bạc Liêu bao la và trù phú trong mắt người nghe. Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trên bán đảo Cà Mau, miền đất cực nam của Việt Nam. Bạc Liêu được nhiều người biết đến bởi nghề làm muối, muối Bạc Liêu xưa nay vốn nổi tiếng về chất lượng do không có vị đắng, chát và ít lẫn tạp chất. Bạc Liêu cũng là xứ ruộng đồng bao la cò bay thẳng cánh, với với lúa trải ngàn khơi nhìn mỏi mắt người… Vùng đất này đối với nhạc sĩ Thanh Sơn là 2 nữa con nước, là ranh giới của một bên nước mặn biển cho muối nhiều và một bên nước ngọt phù sa vun bồi cùng với thiên thời địa lợi nhân hòa tạo nên Bạc Liêu trù phú lừng danh một thời.
Click vào hình để nghe Ngọc Sơn hát Hoài Cổ của nhạc sĩ Thanh Sơn (bản hit thập niên 90)
Bạc Liêu giấc mơ tình уêu Dân gian ca rằng: “Bạc Liêu là xứ cơ cầu Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu Nghe danh Công Tử Bạc Liêu Đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu!”
Năm 2006, trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 83 – Những Khúc Hát Ân Tình vinh danh ông, cùng với 2 nhạc sĩ Xuân Tiên và Nguyễn Ánh 9. Trước khi trình bày ca khúc Hoài Cổ ca sĩ Hương Lan có hỏi ý kiến nhạc sĩ Thanh sơn có muốn cô nhấn nhá những câu nào và tình cảm nào mà nhạc sĩ muốn gửi gắm trong bài hát thì nhạc sĩ Thanh Sơn chia sẻ như sau: Trong bài hát có 3 điểm mà chú muốn nhấn mạnh, nên khi Hương Lan hát đến cái điểm thứ nhất là chữ Cao Văn Lầu nhớ hát rõ lời dùm chú, vì chữ Cao Văn Lầu nằm ở nốt nhạc rất thấp nên cẩn thận hát cho rõ chữ. Thứ hai nữa là Bạc Liêu là xứ phì nhiêu cò bay thẳng cánh, hát rõ các chữ đó để thính giả ngoài người dân bạc liêu ra thì các thính giả trong cả nước ai cũng biết về Bạc Liêu. Điểm thứ ba là nơi sản sinh ra các công tử ăn xài phóng khoáng nên cũng cần nhấn mạnh câu hát Nghe danh Công Tử Bạc Liêu, Đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu” . Đủ để thấy nhạc sĩ Thanh Sơn là một người tâm huyết và tỉ mỹ trong công cuộc giới thiệu là lưu danh các tỉnh thành miền Nam qua âm nhạc. Ông đã viết nhạc cho hầu khắp các địa danh ở Nam Bộ, chỉ trừ Tiền Giang mà theo ông: “Chưa viết được vì hai chữ Tiền Giang đưa vào nhạc khó quá. Tôi sẽ cố gắng tìm cho ra cái từ để ca ngợi mảnh đất Tiền Giang trong thời gian tới”.
Click vào hình để nghe Chế Thanh hát tân cổ Bạc Liêu Hoài Cố nhạc Thanh Sơn
Cho nhắn gửi Bạc Liêu mấу lời Ѕông có cạn tình không đổi dời Dù đi xa trăm hướng Ai người thấu nỗi hoài hương Bạc Liêu thương quá… hình bóng quê nhà
Nhạc sĩ Thanh Sơn đi từ dòng nhạc vàng mang đậm nét học trò đến lối kết hợp ngũ cung mang âm sắc ca ngợi quê hương tạo nên một thuật tượng hình có sức mạnh gợi nhớ xoáy sâu vào lòng người. Làm sống dậy những ký ức về quê hương miền Nam thân yêu. Nơi có những điều giản dị và bình yên mà dù có đi xa trăm nơi ngàn hướng, hay dù sông có cạn thì tình yêu ấy vẫn không đổi dời. Thứ tình yêu ấy chỉ có những người con của mảnh đất miền Nam hay những người con tha hương mới thấu nỗi cái tình quê mà nhạc sĩ Thanh Sơn tạm gọi là nỗi hoài thương. Và phải chăng đó là lý do làm cho nhạc của Thanh Sơn sống mãi và tên tuổi tuổi của mình tạo nên một dòng nhạc của riêng ông, một dòng nhạc gợi lên hình bóng quê nhà cũng là gửi gắm tấm lòng của ông về quê hương../.
Biên Soạn: Nhật Hà